(HNM) - 9 tháng năm 2021, giá trị xuất khẩu toàn ngành Nông nghiệp đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 44 tỷ USD trong năm 2021, những tháng cuối năm, Bộ NN&PTNT tích cực phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất, mở rộng, khơi thông thị trường, qua đó tăng tốc để về đích.
Nhiều kết quả tích cực
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (tỉnh Cà Mau) Lê Văn Quang cho biết, thời điểm hiện tại, số lượng đơn đặt hàng từ các thị trường nhập khẩu tiếp tục gia tăng, nên các nhà máy của doanh nghiệp đang đẩy mạnh công suất để đáp ứng nhu cầu của các đối tác. Còn Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình) Đinh Cao Khuê thông tin, những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ trái cây của các nước trên thế giới tăng cao, doanh nghiệp sẽ tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu...
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, xuất khẩu rau, quả gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vẫn tăng trưởng đáng kể từ việc xuất khẩu vào các thị trường châu Âu, Mỹ, Đông Bắc Á, Trung Đông... “Trước đây, rau, quả xuất khẩu phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc với tỷ trọng khoảng 70% thì nay còn 58%”, ông Đặng Phúc Nguyên thông tin thêm.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao, như: Cà phê, cao su, rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm gỗ; mây tre… Hoa Kỳ hiện vươn lên là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam. Cụ thể, 9 tháng năm 2021 giá trị nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang thị trường này đạt trên 10,2 tỷ USD, bỏ xa thị trường Trung Quốc đứng thứ hai với gần 6,8 tỷ USD. Cụ thể, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 11 của Hoa Kỳ với 30.000 tấn, tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng rau, quả, gạo, thủy sản, sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và châu Âu cũng tăng mạnh từ đầu năm đến nay.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, sự chuyển dịch trong thị trường xuất khẩu và nâng cao chất lượng sản phẩm đã giúp nông nghiệp trở thành ngành tăng trưởng bền vững trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đóng góp khoảng 14% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước...
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, song từ nay đến cuối năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn phải đối mặt với các yếu tố bất lợi, như: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước; cước vận tải tăng cao; sự kiểm soát chất lượng sản phẩm chặt chẽ của các thị trường nhập khẩu...
“Đòn bẩy” để thúc đẩy phát triển sản xuất
Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng khoảng 5,6% năm 2021, điều này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp xuất khẩu nông sản Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh. Mặt khác, cuối năm cũng là thời điểm nhu cầu về nông sản của các nước tăng cao, nhiều nước thu mua dự trữ nông sản cho năm tiếp theo để đề phòng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Để tạo “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, đây là “điểm tựa” để các ngành hàng, doanh nghiệp kịp thời đề ra các giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông sản trong những tháng cuối năm 2021 và thời gian tiếp theo.
Về phía doanh nghiệp, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên kiến nghị, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp khôi phục sản xuất. Còn Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam Trần Hữu Hậu thông tin, Hiệp hội đang cùng các doanh nghiệp thành viên rà soát nhu cầu của các thị trường để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; đồng thời đề xuất các địa phương hỗ trợ tiêm vắc xin phòng Covid -19 cho công nhân tại các nhà máy chế biến điều xuất khẩu.
Nhằm bảo đảm lưu thông thông suốt, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng, cũng như thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, các tổ công tác của Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT các tỉnh, doanh nghiệp, hiệp hội nắm bắt khó khăn, vướng mắc của chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông sản tại các địa phương để có những giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời. Bộ cũng đã giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thường xuyên cập nhật tình hình cung - cầu nông sản phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...
Cũng theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp, cùng với việc thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước ASEAN, Peru, Brazil, Nga, Séc... trong khuôn khổ hợp tác nông nghiệp song phương và đa phương, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nắm bắt thị trường, thông tin kịp thời đến địa phương, doanh nghiệp các cảnh báo, quy định mới của thị trường xuất khẩu. Cung cấp các thông tin quy định về hạn ngạch đối với các mặt hàng nông sản thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh; đẩy mạnh quảng bá nông sản Việt Nam tại thị trường châu Âu…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.