Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu lao động sang Mỹ: Cần có những phương án khả thi

TRONGQUANG| 07/05/2006 12:17

(HNMĐT) - Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là sẽ hết thời hạn visa đã cấp cho các lao động đi xuất khẩu sang Mỹ, nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp (DN) nào được Cục Quản lý lao động ngoài nước cho phép thực hiện hợp đồng. Để đối phó với việc không thực hiện được hợp đồng, một số DN đã chuyển hình thức đưa lao động sang Mỹ bằng hợp đồng cá nhân, và điều này có nguy cơ đem lại ít nhiều rủi ro cho lao động xuất khẩu.

Lao động chuẩn bị lên máy bay đi xuất khẩu (anh minh họa)(HNMĐT) - Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là sẽ hết thời hạn visa đã cấp cho các lao động đi xuất khẩu sang Mỹ, nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp (DN) nào được Cục Quản lý lao động ngoài nước cho phép thực hiện hợp đồng. Để đối phó với việc không thực hiện được hợp đồng, một số DN đã chuyển hình thức đưa lao động sang Mỹ bằng hợp đồng cá nhân, và điều này có nguy cơ đem lại ít nhiều rủi ro cho lao động xuất khẩu.

Giải thích về việc chưa cho phép DN nào thực hiện hợp đồng XKLĐ snag Mỹ, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng: Việc đưa lao động sang các thị trường mới như Mỹ đòi hỏi phải hết sức thận trọng. Phải xem xét kỹ xem hợp đồng có phù hợp với các quy định của pháp luật nước ta và pháp luật của Mỹ hay không, phải tính toán kỹ để hạn chế tối đa các vấn đề có thể phát sinh và các rủi ro có thể xảy ra. Nguyên nhân của việc các DN chưa được thực hiện hợp đồng đưa lao động xuất khẩu sang Mỹ là do một số điều kiện hợp đồng chưa phù hợp với các quy định của pháp luật Mỹ và chi phí quá cao, dẫn đến quyền lợi của người lao động sẽ không được bảo đảm. Bộ Lao động - TBXH đã hướng dẫn các doanh nghiệp đàm phán lại với nước bạn để đạt được các điều kiện tốt hơn, phù hợp với pháp luật 2 nước, nhưng đến nay các doanh nghiệp chưa thực hiện được điều đó. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác mà các doanh nghiệp chưa giải trình rõ, chẳng hạn như cách quản lý lao động như thế nào, hoặc biện pháp chống lao động bỏ trốn ra sao...

Theo quy định hiện hành của Việt Nam, người lao động có thể đi lao động ở bất kỳ quốc gia nào theo hợp đồng cá nhân, nếu phù hợp với luật pháp Việt Nam và luật pháp nước tiếp nhận lao động. Ngoài ra cần hội đủ các điều kiện, như được chủ sử dụng lao động ký hợp đồng, bảo đảm việc làm, thu nhập, được cấp visa vào nước đó làm việc...

Như vậy, nếu các doanh nghiệp tuyển chọn, làm thủ tục cho người lao động theo các hợp đồng không được phép thực hiện do không bảo đảm các điều kiện của pháp luật, không bảo đảm quyền lợi cho người lao động, sẽ được coi là hành vi vi phạm pháp luật. Còn nếu doanh nghiệp hướng dẫn người lao động do mình đã tuyển chọn và làm thủ tục đăng ký theo hình thức hợp đồng cá nhân thì cũng không phù hợp luật pháp.

Cũng theo ông Quỳnh, các biện pháp đối phó của các DN như vậy là một kiểu "lách luật", và cách làm đó sẽ buộc người lao động phải tự chịu trách nhiệm đối với các rủi ro về pháp luật và về quyền lợi trong hợp đồng mà doanh nghiệp đã ký với đối tác, dễ dẫn tới những hậu quả khôn lường.

Lao động Việt Nam tại một dây chuyền may CN ở nước ngoài (ảnh minh họa)

Về quan điểm của Cục Quản lý lao động ngoài nước là luôn khuyến khích và ủng hộ các DN đưa lao động Việt Nam sang thị trường Mỹ, bởi Mỹ là một thị trường mới, có thu nhập cao. Chủ trương của Việt Nam cũng khuyến khích các DN khai thác thị trường này. Tuy nhiên, qua nghiên cứu một số hợp đồng, chủ sử dụng lao động bảo đảm 70% thời gian làm việc theo quy định, lương cơ bản 1.300 USD/tháng. Nếu có việc làm đầy đủ, làm thêm giờ, thu nhập của người lao động sẽ khá cao. Nhưng bù lại, chi phí mà họ phải bỏ ra để được đi sang Mỹ là quá lớn và nếu không thận trọng cân nhắc thì sẽ có hàng loạt các vấn đề phát sinh và hậu quả sẽ khó lường.

Điều khiến mọi người phải cân nhắc kỹ là đến thời điểm ngày 1/7/2006, tất cả visa đã cấp cho lao động Việt Nam sang Mỹ theo các hợp đồng đã ký với doanh nghiệp sẽ hết thời hạn, mà chưa có bảo đảm là sẽ được gia hạn để ở lại tiếp tục ở lại làm việc. Nếu trong trường hợp chỉ được làm việc vài tháng, không được gia hạn visa, phải về nước thì với thu nhập trong vài tháng đó chưa đủ bù đắp chi phí ban đầu, dẫn đến người lao động bị thiệt hại rất lớn.

Khai thác thị trường XKLĐ sang Mỹ là rất đúng, nhưng phải dựa trên nguyên tắc tiết kiệm tối đa chi phí của người lao động. Nếu DN nào có phương án khả thi về vấn đề này, đồng thời đưa ra được các biện pháp quản lý chặt chẽ lao động, cũng như xử lý những lao động bỏ trốn... thì Cục Quản lý lao động ngoài sẽ sẵn sàng ủng hộ, xin phép cấp trên cho thực hiện ngay, - ông Nguyễn Ngọc Quỳnh nói.

Quang Anh(tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Xuất khẩu lao động sang Mỹ: Cần có những phương án khả thi

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.