Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu lao động sang Canađa: “Cửa hẹp” đã mở!

Thuận Khanh (thực hiện)| 04/02/2010 07:04

(HNM) - Thị trường Canađa luôn có nhu cầu khá cao về lao động, nhưng lại yêu cầu rất khắt khe về trình độ lao động. Mới đây, sau những nỗ lực của Chính phủ hai nuớc và một số doanh nghiệp, thị trường XKLĐ sang Canađa đang rộng mở với lao động Việt Nam.

Lớp học ngoại ngữ cho người lao động do Công ty cổ phần thương mại Châu Hưng tổ chức.


- Là công ty đầu tiên được Bộ LĐ-TB&XH chọn thí điểm đưa lao động sang làm việc ở Canađa, ông đánh giá thế nào về thị trường này?

- Canađa là thị trường mở và tiềm năng, con người và giới chủ ở đây rất thân thiện, dân số Canađa không nhiều nhưng lại là quốc gia đất đai rộng gấp hàng chục lần Việt Nam nên có nhu cầu lớn về lao động. Sang làm việc tại đây, người lao động (NLĐ) sẽ có mức lương khá cao với điều kiện làm việc bảo đảm. Có thể nói, đây là “miền đất hứa” không chỉ đối với NLĐ Việt Nam mà còn là điểm đến lý tưởng của lao động các nước, như Mêhicô, Trung Quốc, Philíppin.

- Thị trường lý tưởng, nhưng vì sao đến bây giờ chúng ta mới tiếp cận được, thưa ông?

- Từ năm 2004, một số doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam đã xúc tiến thâm nhập và tìm kiếm hợp đồng ở Canađa. Thời điểm đó, Công ty Dịch vụ XKLĐ và chuyên gia (Suleco) đã ký một hợp đồng với đối tác Canađa về việc đưa 200 lao động là nam lái xe tải nặng chuyên chở, giao hàng trong các bang của Canađa hoặc Mỹ với thời hạn 2 năm với mức lương 35.000 đôla Canađa/người/năm (khoảng 33,8 triệu đồng VN/tháng). Đây là hợp đồng XKLĐ đầu tiên của Việt Nam sang thị trường này và mức lương cũng được xem là cao nhất từ trước đến nay ở tất cả 40 quốc gia mà Việt Nam có lao động sang làm việc. Sau đó, do nhiều lý do nên vào tháng 5-2004, ta phải ngừng việc đưa lao động sang làm việc ở Canađa.

- Mở lại thị trường này, ngành nghề nào sẽ được tuyển dụng nhiều nhất? Lao động ở các huyện nghèo có cơ hội đi làm việc tại thị trường này không?

- Ngành nông nghiệp, thợ hàn, thợ làm bánh, thợ xây dựng, nhân viên bán quán cà phê... là ngành nghề NLĐ dễ có cơ hội đi nhất. Rất có cơ hội với NLĐ ở các huyện nghèo nếu chịu khó học ngoại ngữ và học nghề theo yêu cầu của giới chủ Canađa. Người Canađa không phân biệt chủng tộc. Khi chúng tôi sang khảo sát thị trường này, đi thăm một số trường dạy nghề của họ mới thấy, người Canađa rất chú trọng việc học nghề. Chính phủ Canađa rất tập trung vào việc học nghề và đầu tư rất nhiều cho dạy nghề.

- Nhiều ý kiến cho rằng thị trường XKLĐ sang Canađa cửa đã mở nhưng không dễ vào. Nguyên nhân do đâu?

- Canađa đang rất cần lao động. Việt Nam đã có những thỏa thuận cho việc này, vì vậy, cửa vào thị trường này coi như đã được mở. Song để có được tấm vé sang làm việc tại Canađa, NLĐ phải qua hệ thống sàng lọc chặt chẽ là cơ quan xuất nhập cảnh của nước bạn rất kỹ lưỡng và khách quan, hầu như không có tiêu cực qua môi giới và các loại phí phải công khai. Hiện nay, việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Canađa mới chỉ là thí điểm.

- Có phải do chính sách của ta hay do trình độ NLĐ không đáp ứng được?

- Chính sách của Việt Nam và Canađa rất mở và thông thoáng. Vấn đề là nhận thức của người tham gia XKLĐ. Một trong những nhược điểm của NLĐ Việt Nam là ngại học tiếng và học nghề; chưa đầu tư đúng mức về việc học tập này. Bên cạnh đó, nhiều người nhận thức sai về đi XKLĐ. Thậm chí nhiều lao động cứ nghĩ đi XKLĐ là được làm việc nhàn nhã nhưng lại nhiều tiền. Do vậy, họ dễ mắc sai lầm trong công việc. Nếu mục đích đi XKLĐ là để làm việc với đúng khả năng, trình độ thì cánh cửa vào làm việc tại Canađa là rất rộng.

- Những tiêu chí nào để NLĐ được làm việc ở Canađa? Mức chi phí có cao hơn thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc không, thưa ông?

- Để được làm việc tại Canađa thì bắt buộc NLĐ phải học tiếng và nghề theo đơn đặt hàng của giới chủ sử dụng và theo yêu cầu của từng đơn hàng. NLĐ bắt buộc phải tham dự 1 khóa học theo tiêu chuẩn của trường nghề Việt Nam và Canađa. Ngoài ra, phải theo thỏa thuận của Bộ LĐ-TB&XH, Cục Quản lý lao động ngoài nước Việt Nam, Bộ Lao động và Nhập cư Canađa.

Mức chi phí NLĐ phải trả có thể bằng hoặc thấp hơn so với chi phí sang Nhật Bản.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu lao động sang Canađa: “Cửa hẹp” đã mở!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.