Giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 5 đạt 959 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu lâm sản 5 tháng đầu năm 2019 đạt gần 4,258 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2018.
Một dây chuyền sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN) |
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 5 đạt 959 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu lâm sản 5 tháng đầu năm 2019 đạt gần 4,258 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 18,7%, sản phẩm mây, tre, cói đạt 191 triệu USD, tăng 43%.
Thị trường xuất khẩu lâm sản hiện nay chủ yếu vẫn là 5 thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm khoảng 87% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản.
Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 5 tháng đạt 1,017 tỷ USD, tăng khoảng 16% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, xuất siêu lâm sản 5 tháng đạt 3,241 tỷ USD.
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2019 trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi lan rộng sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng của lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 6% lên trên 8%; trong đó tập trung tăng sản lượng gỗ khai thác đáp ứng nhu cầu chế biến của ngành gỗ.
Trong tháng 5, diện tích khai thác rừng trồng tập trung toàn quốc đạt khoảng 23.600ha, tương ứng sản lượng 1,63 triệu m3.
Lũy kế 5 tháng, khai thác rừng đạt khoảng 108.000ha với sản lượng 7,86 triệu m3, tương đương 40,3% kế hoạch năm 2019, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Diện tích rừng trồng mới tập trung trong 5 tháng đầu năm đạt 75.200 ha, tương đương cùng kỳ năm trước; trong đó, trồng mới rừng sản xuất đạt 74.800ha; rừng trồng được chăm sóc đạt 319.000ha, tăng 5,2%; giao khoán bảo vệ rừng đạt 4,9 triệu ha, tăng 8,6%. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 7,86 triệu m3, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-2019.
Hiệp định VPA/FLEGT gửi một tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam và EU đối với việc thúc đẩy thực hiện Chương trình "Thương mại và phát triển bền vững" của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU.
Để thúc đẩy thương mại lâm sản sang EU cũng như các thị trường khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Văn phòng Chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS) để làm đầu mối hợp tác với các tổ chức chứng chỉ rừng quốc tế, các cơ quan, tổ chức liên quan để vận hành hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia; triển khai các hoạt động chứng chỉ rừng tại Việt Nam; xây dựng và phát triển thương hiệu Chứng chỉ rừng Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế; đồng thời tổ chức việc kiểm tra giám sát việc cấp chứng chỉ rừng của hệ thống quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.