Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu gạo năm 2013: Cạnh tranh ngay trong nước

Đặng Loan| 05/04/2013 06:11

(HNM) - Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, xuất khẩu gạo thời gian tới còn nhiều khó khăn do cạnh tranh khốc liệt từ các nước có nguồn cung lớn như Thái Lan, Ấn Độ…

Tại buổi sơ kết xuất khẩu gạo quý I năm 2013 tổ chức ngày 4-4 tại TP Hồ Chí Minh, VFA cho biết, xuất khẩu quý I đạt hơn 1,45 triệu tấn, tăng đến 35,12% so với quý I năm 2012. Thế nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt hơn 641 triệu USD, giảm khoảng 6%, do giá xuất khẩu bình quân chỉ đạt 442,06 USD/tấn, giảm 44,52 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước. Hiện, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam loại 5% tấm là 395 USD/tấn, thấp hơn giá gạo của Ấn Độ và Pakistan 40-50USD/tấn. Tuy nhiên, VFA cũng cho rằng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam không phải thấp nhất thế giới, vì giá gạo của Myanmar thấp hơn.

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Ngô Sơn


Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong lý giải, giá xuất khẩu giảm là do nhu cầu thị trường yếu, trong khi nguồn cung từ các nước như Thái Lan, Ấn Độ rất dồi dào khiến các doanh nghiệp phải giảm giá để bán ra. Hiện, chỉ có hai thị trường là Trung Quốc và Châu Phi có nhu cầu nhập khẩu nhiều, còn các thị trường truyền thống khác hầu như không có nhu cầu. Trung Quốc hiện đã ký hợp đồng hơn 1 triệu tấn, nếu tính cả hợp đồng năm 2012 chuyển sang là hơn 1,5 triệu tấn. Tuy nhiên, thị trường này có đặc điểm là mua bán phần lớn do chênh lệch giá chứ không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước nên thường chỉ mua giá thấp để bảo đảm lợi nhuận. Các doanh nghiệp Việt Nam chấp nhận bán giá thấp vào thị trường này vì nếu bán giá cao, đối tác Trung Quốc không mua. Còn thị trường lớn thứ hai của Việt Nam là Châu Phi đã nhập khẩu mạnh từ cuối năm 2012 nên chưa vội vã nhập khẩu thêm. VFA cũng lý giải rằng đồng euro đang giảm giá so với đồng USD cũng ảnh hưởng đến giá bán của gạo Việt Nam vào các nước có đồng tiền gắn với euro như Tây Phi. Thêm nữa, Việt Nam không có lợi thế vận chuyển như các nước Ấn Độ, Pakistan do xa hơn.

Với những lý giải trên, VFA cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đứng trước hai lựa chọn: Cạnh tranh để bán ra hay giữ giá cao không bán được. Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký VFA cho rằng, mục tiêu lớn là tiêu thụ hàng hóa thu hoạch và bảo vệ lợi nhuận kinh doanh, để doanh nghiệp "sống" và bảo vệ lợi ích của nông dân. "Muốn đẩy mạnh xuất khẩu thì phải cạnh tranh, mà cạnh tranh thì phải giảm giá, phải chấp nhận giá thấp hơn mới bán được" - ông Huệ nói.

Doanh nghiệp trong nước cạnh tranh không lành mạnh

Dù cho rằng sự khó khăn của thị trường thế giới khiến doanh nghiệp phải hạ giá gạo để cạnh tranh nhưng VFA cũng thừa nhận rằng, có hiện tượng cạnh tranh phá giá giữa các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam; bên cạnh đó một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng còn yếu kém nên bị khách hàng ép giá đã tác động thêm vào sự sụt giảm giá của gạo Việt Nam. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) cho rằng, cần phải quản lý giá sàn chặt chẽ hơn, đặc biệt là gạo thơm. "Tôi không hiểu sao có doanh nghiệp lại xuất khẩu gạo thơm Jasmine với giá 510-520 USD/tấn", ông Tiến phàn nàn. Ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty CP Mê Kông (Cần Thơ) cũng cho rằng cần giữ giá sàn, không giảm nữa. Nhiều doanh nghiệp cũng đồng ý với ý kiến này, đặc biệt là gạo thơm Jasmine vì loại gạo này chỉ có Việt Nam và Thái Lan có, nhưng hiện Thái Lan có giá quá cao nên Việt Nam có ưu thế rất lớn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng gạo hàng hóa vụ đông xuân 2012-2013 khoảng 3,8 triệu tấn, cộng với tồn kho năm 2012 chuyển sang khoảng 780.000 tấn, lượng gạo hàng hóa cần tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm khoảng 4,5 triệu tấn. Trong khi đó, xuất khẩu quý I đạt hơn 1,45 triệu tấn và dự kiến xuất khẩu quý II là 2,2 triệu tấn. Về xuất khẩu thời gian tới, ông Trương Thanh Phong vẫn cho rằng còn khó khăn vì thị trường gạo thế giới vẫn được dự báo trong xu hướng sụt giảm trong khi lượng cung tăng cao do Thái Lan giải quyết hàng tồn kho và Ấn Độ dự báo sản lượng tăng đến 110 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, VFA cũng cho rằng, quý II thị trường sẽ tốt hơn quý I trong khi Việt Nam đã có nhiều hợp đồng và số lượng hàng chưa giao tương đương với lượng hàng tồn kho. Vì vậy, VFA khuyến cáo các doanh nghiệp không vội ký thêm hợp đồng với giá thấp và cần duy trì ổn định để chờ nguồn cầu mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu gạo năm 2013: Cạnh tranh ngay trong nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.