(HNMO) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, thời gian tới, xuất khẩu gạo tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn về thị trường, lưu thông, giá cả… Để tháo gỡ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo.
Xuất khẩu gạo giảm cả về sản lượng và giá trị
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng năm 2021, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 3,5 triệu tấn với giá trị 1,9 tỷ USD, giảm 12,7% về lượng và 3,1% về giá trị.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), một số thị trường đã giảm lượng gạo nhập khẩu. Ví dụ Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, song từ đầu năm đến nay mới nhập khoảng 1,27 triệu tấn (giảm 15% so với cùng kỳ năm trước) và dự báo trong thời gian tới, thị trường Philippines sẽ tiếp tục giảm lượng gạo nhập khẩu. Các thị trường khác như Malaysia và châu Phi cũng giảm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, dịch Covid-19 ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng và sự cạnh tranh của các quốc gia xuất khẩu gạo khác là nguyên nhân khiến lượng gạo xuất khẩu giảm mạnh trong 7 tháng qua. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong tháng 7 là 390 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 2-2020 và trong tháng 8, giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm còn 385 USD/tấn (thấp hơn gần 100 USD/tấn so với thời điểm này năm ngoái).
Về vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho biết, một số công ty, nhà máy ngừng sản xuất, đóng cửa tạm thời… khiến khả năng giao hàng hạn chế. Còn Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) Nguyễn Văn Đôn thông tin, hàng tồn kho của công ty còn nhiều nên chưa thể ký các hợp đồng thu mua mới với đối tác.
Cùng với đó, gạo Việt Nam cũng đang chịu sự canh tranh lớn từ các nước xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ.
Tạo "luồng xanh" cả đường bộ và đường thủy
Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường cho biết, thời điểm này, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch vụ hè thu sớm. Tuy nhiên, việc giãn cách xã hội đã gây nên tình trạng thiếu hụt lao động thời vụ trên đồng, từ thu mua cho đến gặt lúa, bốc vác... Mặt khác, các ghe vận chuyển lúa không thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác hay giữa các địa phương, nên việc thu hoạch lúa cũng khó khăn.
Cùng với đó, chi phí về phòng, chống dịch, vận chuyển, sản xuất “3 tại chỗ”... cũng là thách thức lớn với doanh nghiệp.
Ước tính vụ hè thu sẽ thu hoạch khoảng 1,51 triệu hécta lúa, sản lượng khoảng 8,6 triệu tấn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vào Đồng bằng sông Cửu Long để tháo gỡ những vướng mắc về lúa gạo nói riêng, các mặt hàng nông sản nói chung. Thời điểm hiện tại, nhiều tỉnh đã vận hành "luồng xanh" đưa hàng hóa thiết yếu về các trung tâm kinh tế phía Nam, đồng thời giúp người sản xuất liên kết tiêu thụ các mặt hàng nông sản, phục vụ cho chế biến, xuất khẩu, trong đó có lúa gạo.
Để mở những “nút thắt” trong chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo vụ hè thu, tạo nguồn gạo dự trữ cho doanh nghiệp đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ đã thống nhất thành lập tổ công tác phản ứng nhanh, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thu mua, vận chuyển lúa gạo giữa các tỉnh.
Và để hỗ trợ doanh nghiệp thu mua lúa gạo xuất khẩu, ngày 10-8, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản đề nghị các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bảo đảm vốn tín dụng phục vụ thu mua, tạm trữ thóc gạo bằng nhiều hình thức như: Mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp; đơn giản các thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay…
Để lưu thông hàng hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Trung Kiên cho biết, ngoài việc tạo "luồng xanh" trên đường bộ, Hiệp hội đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành nhanh chóng tạo "luồng xanh" cho đường thủy nhằm tạo điều kiện cho ghe, tàu thu mua lúa gạo vận hành, rút ngắn thời gian vận chuyển và xoay vòng thu mua.
Đặc biệt, để hỗ trợ doanh nghiệp giảm các chi phí, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Lê Duy Hiệp thông tin, Hiệp hội sẽ đối thoại với các hãng tàu để giảm chi phí vận chuyển, kho bãi…
Thúc đẩy xuất khẩu gạo, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết, để tận dụng tối đa những lợi thế từ các hiệp định thương mại mới, cùng với việc phối hợp chặt chẽ với tham tán tại các nước để mở rộng kết nối tại các thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường mới, Cục sẽ cùng doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao, từ đó tăng giá trị cho ngành lúa gạo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.