(HNMO) – Hoạt động sản xuất, xuất khẩu dệt may trong thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là vào những tháng cuối năm nay, giá nhân công và chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp không chủ động được nguồn nguyên liệu.
Bên cạnh đó, xuất khẩu chịu tác động mạnh từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ sau khi gỡ bỏ trần nợ công và kinh tế chưa có dấu hiệu khởi sắc; ảnh hưởng từ tiết kiệm tiêu dùng tại Nhật Bản và từ khủng hoảng nợ công đang có dấu hiệu lan rộng tại Châu Âu.
Theo đó, một số doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất áo sơmi và quần âu đã bị huỷ hợp đồng, thậm chí không ký được đơn hàng cho quý I/2012.
Đáng chú ý, sản xuất một số nguyên liệu vải gần đây có xu hướng giảm dần, vải dệt từ sợi bông 11 tháng giảm 3,6% so với cùng kỳ (trong khi 9 tháng tăng 4,7%, 10 tháng giảm 1,1%), vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo 11 tháng tăng 21,6% so với cùng kỳ (trong khi 9 tháng tăng 18,2%, 10 tháng tăng 22,0%), quần áo may sẵn vẫn tiếp tục tăng 11,5% nhưng tốc độ tăng cũng chậm hơn so với năm 2010 (tăng 18,7%).
Mặc dù mục tiêu xuất khẩu hàng dệt may của năm 2011 được đảm bảo và người dân đã tin tưởng chọn hàng dệt may trong nước nhưng để xuất khẩu năm 2012 tiếp tục tăng trưởng cũng như thị phần hàng dệt may trong nước ngày một nâng lên… Tuy nhiên, Bộ Công thương khuyến cáo các doanh nghiệp dệt may cần triển khai một số biện pháp như: đầu tư phát triển khâu cung ứng nguyên phụ liệu trong nước, chú trọng đầu tư cho khâu thiết kế, đồng thời, chú trọng kiểm tra, kiểm soát hàng kém chất lượng nhưng giả thương hiệu Việt Nam đang xuất hiện ngày càng nhiều tại thị trường nội địa...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.