Từ ngày 1-1 đến 15-2-2021, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt trên 38 tỷ USD, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương tăng thêm 10 tỷ USD; nhập khẩu trong gần 2 tháng qua cũng tăng trên 25%.
Xuất khẩu tăng tốc ngay từ đầu năm
Vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngay từ những tháng đầu năm 2021, xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng.
Theo Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 2-2021, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 9,94 tỷ USD, tăng nhẹ gần 2,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15-2, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 38,46 tỷ USD, tăng mạnh gần 36,9% so với cùng kỳ năm 2020, tương đương con số tăng thêm hơn 10 tỷ USD. Cùng với đó, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 35,7 tỷ USD, tăng hơn 7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020, tương đương gần 25,3%.
Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, cả xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam đều có sự khởi đầu ấn tượng. Tính chung từ đầu năm đến ngày 15-2, kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước đạt hơn 74 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất siêu 2,76 tỷ USD.
Đánh giá về những kết quả này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, kết quả xuất, nhập khẩu đầu năm có sự đóng góp của tất cả các ngành sản xuất, đặc biệt là các khối ngành công nghiệp. Các mặt hàng dệt may, da giày cũng đã có bước tăng trưởng khá.
Đối với các mặt hàng khác như điện thoại, máy móc phụ tùng, linh kiện điện tử, có mức tăng trưởng cao, phản ánh nhu cầu của thế giới trong bối cảnh giãn cách xã hội. Còn đối với nhóm hàng nông sản, dù kim ngạch không lớn so với nhóm hàng công nghiệp, nhưng trong một tháng rưỡi vừa qua (tính đến ngày 15-2) thì xuất khẩu nông sản cũng đã đạt được tăng trưởng tốt, với khoảng 5%.
Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 4-5%
Đánh giá về những khó khăn trong xuất, nhập khẩu hiện nay, ông Trần Thanh Hải cho hay, từ cuối năm 2020 đến nay, khó khăn nằm ở khâu kết nối cung - cầu logistics. Những vấn đề như chi phí container rỗng gia tăng hoặc thiếu hụt các chuyến tàu, đặc biệt là đi các thị trường châu Âu, châu Mỹ đã làm cho chi phí vận chuyển tăng lên rất nhiều.
Còn ở trong nước, dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở một số địa phương, việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cũng tác động nhất định đến khâu vận chuyển, lưu thông, gây ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa.
Năm 2021, Bộ Công Thương đã đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu ở mức 4-5%. Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay chưa được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới, cũng như ở Việt Nam, đây cũng là chỉ tiêu hợp lý để phấn đấu.
Đánh giá những cơ hội xuất, nhập khẩu trong thời gian tới, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, năm 2020, Việt Nam có 3 FTA đã đi vào thực hiện và được ký kết, đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). Đây là những hiệp định có quy mô lớn, được kỳ vọng sẽ giúp cho hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam có phát triển mạnh mẽ.
Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị, dự báo tác động của dịch Covid-19 vẫn còn kéo dài. Do vậy, các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện các kênh tiếp thị trên môi trường số, tìm hiểu và vận dụng tốt hơn lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Đồng thời, quản trị và nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.