Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu 2005: Vượt qua những nỗi lo

NGOHUONG| 31/12/2005 10:20

Cuối cùng, xuất khẩu – lĩnh vực chiếm hơn 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - năm 2005 đã về đích bằng một cuộc nước rút cuối năm rất ấn tượng sau sự khởi đầu rất khó khăn.

Theo Bộ Thương mại, xuất khẩu cả năm 2005, đạt 32,233 tỷ USD, tăng 21,6% so với năm 2004, bằng 104,9% chỉ tiêu (30,7 tỷ USD) do Chính phủ đặt ra và vượt chỉ tiêu (31,5 tỷ USD) của ngành thương mại. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước có mức tăng trưởng 14,1% đạt 13,7 tỷ USD; đặc biệt khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 27,8% so với năm 2004, đạt 18,5 tỷ USD chiếm 57,5% và trở thành khu vực có đóng góp lớn nhất cho xuất khẩu.

Tăng đều

Theo Bộ Thương mại, nhìn lại cả năm, các mặt hàng xuất khẩu của nước ta đều có sự tăng trưởng cả về lượng và giá xuất khẩu. Nếu như lượng xuất khẩu tăng 9% thì giá xuất khẩu đã tăng 11%. Hai nhân tố này đã lần lượt đóng góp 42% và 58% trong 5,5 tỷ USD giá trị xuất khẩu tăng thêm trong năm 2005. Một số mặt hàng được lợi nhiều nhờ tăng giá như: dầu thô, gạo, cà phê...

Ngoài dầu thô đạt 7,4 tỷ USD giá trị xuất khẩu còn có thêm 6 mặt hàng khác kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là dệt may (4,8 tỷ USD), thủy sản (2,74 tỷ USD), giày dép (3 tỷ USD), hàng điện tử và linh kiện máy tính (1,44 tỷ USD), sản phẩm gỗ (1,52 tỷ USD) và gạo (1,4 tỷ USD). Đặc biệt, gạo, cà phê tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu, hạt tiêu đứng đầu thế giới, hạt điều đứng thứ 3 thế giới.

Điều đáng mừng tăng trưởng là xu thế chung, trong 25 mặt hàng chủ yếu có 21 mặt hàng tăng so với năm trước. Đặc biệt, một số mặt hàng đạt tốc độ tăng ấn tượng như gạo (+49%) và lần đầu tiên sau 5 năm sụt giảm đã đột biến đạt 1,4 tỷ USD, rau quả  (+30,8%), cao su (+31,9%), dầu thô (+30,3%) và than đá (+85,2%). 

Bên cạnh đó những mặt hàng tăng trưởng hơn cảtrông đợi như:hàng điện tử, linh kiện máy tính tăng 34,1%, sản phẩm gỗ tăng 33,2%, dây cáp điện tăng 33,7%.Những mặt hàng như giày dép, dệt may, thuỷ sản gặp phải những biến động bất lợi vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao như: giày dép tăng trên 11,7%, thủy sản tăng trên 14,2%, dệt may 9,6%.

Xét về  thị trường, hầu hết các khu vực trên đều tăng trưởng. Trong đó, châu Phi có tốc độ tăng cao nhất 84%, châu Đại Dương đứng thứ 2 tăng 53%, thị trường châu Mỹ tăng gần 22%, chấu Á tăng 21,6%; châu Âu tăng 6,7%.

Với kết quả năm 2005 đã góp phần nâng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá giai đoạn 2001-2005 đạt khoảng 110,6 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 17,4%. Kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người năm 2005 dự kiến đạt 390 USD/người. Quy mô xuất khẩu 5 năm 2001- 2005 gấp hơn hai lần so với 5 năm 1996-2000 (đạt 51,824 tỷ USD).

Cú nước rút cuối năm

Nếu nhìn vào những thành tích cuối năm không ai nghĩ xuất khẩu 2005 đã có sự khởi đầu rất khó khăn. Có thời điểm những nhận định "không đạt chỉ tiêu" liên tục được cảnh báo khiến cho ngay những người trong cuộc cảm thấy lo lắng thực sự.

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình xuất khẩu không mấy khả quan. Những mặt hàng chủ lực như dệt may bị giảm 10%. Thị trường mà chúng ta hy vọng nhất là EU sau khi bỏ hạn ngạch đã  bị tụt giảm thê thảm. Ngành thủy sản giảm đến 20% khiến Bộ quản lý phải xin điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu. Những thông tin về giày dép bị kiện bán phá giá trở thành hiện thực khi EC chính thức điều tra vụ kiện; xuất khẩu phụ tùng xe đạp giảm đến 40%. Xuất khẩu chè sau một năm khởi sắc lại tiếp tục bất ổn cả nguyên liệu trong nước và thị trường xuất khẩu nước ngoài. Kim ngạch xuất khẩu bình quân của những tháng đầu năm chỉ đạt 2,4 tỉ USD rất thấp so với kế hoạch tối thiểu 2,56 tỉ USD/tháng.

Tuy nhiên, nội lực và sự năng động của doanh nghiệp, cộng với tính hiệu quả của công tác điều hành xuất khẩu đã tạo chuyển biến từ nửa sau của năm 2005. Khi dệt may gặp khó khăn ở EU và Mỹ, một mặt tiếp tục xúc tiến thị trường cũ, đồng thời các doanh nghiệp tìm kiếm những thị trường mới. Sau khi mở visa tự động, dệt may sang Mỹ bắt đầu hồi phục dần, thị trường EU giảm trong những tháng đầu năm, cuối năm cũng lấy lại được sự tăng trưởng cao đảm bảo cho cả năm đạt 13%. Đặc biệt, dệt may đã thành công trong việc chuyển hướng sang thị trường Nhật Bản.

Thủy sản bị hạn chế ở Mỹ thì thị trường EU được tăng cường, thị trường Úc được đầu tư khai thác mạnh và tức thì có hiệu quả. Cuối năm đơn hàng từ châu Âu đổ về nhiều doanh nghiệp làm không kịp, nông dân vui mừng vì giá nguyên liệu tăng. Tổng kết lại thị trường EU năm 2005 tăng gần 2 lần, bên cạnh đó, thị trường Úc đã tăng đến tăng 32%. Mở rộng thị trường cũng giúp ngành da giày vượt qua những khó khăn bằng cách tăng cường đưa hàng vào châu Mỹ và khai phá châu Phi.

Cũng bắt đầu từ tháng 7, những điểm sáng xuất khẩu như: đồ gỗ, gạo, linh kiện điện tiếp tục được phát huy. Đồ gỗ nhanh chóng tiếp cận con số 1 tỷ USD ngay từ tháng 10, gạo liên tục nhận được những hợp đồng lớn với giá tăng cao, các mặt hàng như: cà phê, cao su lên tiếp được giá để bù vào phần thiếu hụt do mất mùa. Hai đại gia xuất khẩu là Dầu thô được lợi lớn từ việc tăng giá thế giới còn than đá tiếp tục thành công trong cả khai thác và xuất khẩu.

Và những nỗ lực không mệt mỏi của các doanh nghiệp đã có hiệu quả ngay tức thì. Kim ngạch tháng 6 và 7 đã tăng lên ở mức trung bình yêu cầu và đặc biệt vào tháng 8, kim ngạch xuất khẩu đã lần đầu tiên trong lịch sử vươn lên 3 tỷ USD/tháng . Đi qua 3/4 quãng đường, tổng kết 9 tháng Bộ Thương mại cho biết xuất khẩu đã đạt 76,5% kế hoạch cả năm và tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước. 

Ba tháng cuối cùng mọi việc diễn ra dường như suôn sẻ hơn với mức xuất khẩu trung bình đạt trên 2,85 tỷ USD/tháng và dự tính tháng 12 kim ngạch có thể lên đến 3 tỷ USD. Hầu hết các mặt chủ lực như thuỷ sản, gạo, đồ gỗ đều về đích sớm, những nhóm hàng mới như: điện tử, rau quả... tiếp tục duy trì tốc độ cao, nhiều mặt hàng mới đã xuất hiện dù kim ngạch nhỏ nhưng đã đóng góp tích cực vào thành công chung của xuất khẩu 32, 2 tỷ USD.

Những đổi thay tích cực

Năm 2005, trước biến động của thị trường, những điểm yếu trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam đã bộc lộ rõ. Việc tập trung quá lớn vào một số mặt hàng chủ lực như: dệt may, da giày, thuỷ sản vào một số thị trường lớn Mỹ, EU... khiến cho chúng ta gặp nhiều bất lợi mỗi khi thị trường những mặt hàng này biến động.

Dệt may sụt giảm phải từ bỏ mục tiêu 5,2 tỷ USD xuống còn 4,8 tỷ; thuỷ sản gặp khó xin điều chỉnh chỉ tiêu; da giày bị kiện  kiện ở EU không hoàn thành chỉ tiêu 3,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, việc chủ yếu xuất thô nguyên liệu, làm hàng gia công khiến cho không ít mặt hàng vốn là thế mạnh nhưng lại luôn ở thế bị động do bất ổn về giá cả như: Cà phê, hạt tiêu... 

Mục tiêu đa dạng hoá mặt hàng xuất khẩu, mong muốn có thêm mặt hàng có mặt trong "nhóm đại gia" trên 1 tỷ USD thực hiện rất khó khăn, sau nhiều năm liền dường như chỉ có đồ gỗ làm được điều này. Bên cạnh đó, tìm kiếm các mặt hàng mới có tốc độ tăng trưởng cao, kim ngạch lớn có thể hỗ trợ nâng mức kim ngạch lên trên 1 tỷ rất hiếm. Các mặt hàng nhỏ đi vào các thị trường "ngách" vừa tận dụng nguyên liệu, nhân công lai ít bị cạnh tranh rất chậm phát triển. Đó là những con đường có nhiều tiềm năng mà xuất khẩu chưa khai thác.

Nhưng trong sự khó khăn của năm 2005, những con đường ấy đã được chú ý khai thông mạnh mẽ. Châu Phi xa xôi được kéo lại gần với việc xuất khẩu gạo, dày dép, các mặt hàng tiêu dùng có thế mạnh của Việt Nam, đưa thị trường này thành khu  vực tăng trưởng cao nhất trên 80%. Thị trường châu Mỹ không chỉ bó gọn ở Hoa Kỳ mà còn mở rộng ra Nam Mỹ, tăng cường ở Canada và Mehico, châu Úc khai thách thành công với tốc độ tăng trên 50%...

Điều thay đổi nhận rõ nhất là cơ cấu hàng hoá xuất khẩu. Nếu như các mặt hàng chủ lực vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ đã chậm dần thì những mặt hàng mới nổi lên với tốc độ cao và kim ngạch không hề nhỏ. Đầu tiên phải kể đến mặt hàng gỗ tiếp tục duy trì tăng trưởng cao và năm thứ hai đứng vững trong top xuất khẩu hơn 1 tỷ USD; mặt hàng gạo tăng đột biến lên 1,3 tỷ USD bước vào câu lạc bộ trên 1 tỷ rất mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, Bộ Thương mại đã nhận thấy những mặt hàng tiềm năng có thể tham gia vào nhóm chủ lực như: dây và cáp điện tăng 33,7% và đạt 520 triệu USD trong năm 2005 và có thể sớm vượt 1 tỷ USD; thủ công mỹ nghệ với kim ngạch 565 triệu và được đặt kỳ vọng vươn lên 1,5 tỷ vào 2010; cao su tự nhiên đạt 787 triệu trong năm 2005, vượt cả mục tiêu đề ra cho 2010; cà phê đạt 725 triệu USD và khả năng đạt trên 800 triệu thậm chí là 1 tỷ USD vào 2010 vượt qua Colombia trở thành nước xuất khẩu thứ hai thế giới là rất hiện thực…

Nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ và quy mô lớn của những mặt hàng này không chỉ góp phần bù đắp cho sự sụt giảm của những mặt hàng chủ lực mà với thị trường còn nhiều tiềm năng, đây là những mặt hàng được đưa vào tầm hỗ trợ để sớm tham gia vào tập đoàn xuất khẩu chủ lực lên 1 tỷ USD.

Bên cạnh đó, những mặt hàng hiện đang xếp cuối bảng xếp hạng, mới có kim ngạch trên 100 triệu USD nhưng được đánh giá là đi đứng hương như: túi xách - ô dù; tinh bột sắn, sản phẩm cao su, các sản phẩm từ thép cũng phát triển mạnh mẽ và có đóng góp không nhỏ vào tổng kim ngạch xuất khẩu. Bộ Thương mại cho rằng, đây là những mặt hàng cần quan tâm theo dõi vì nếu khai thác tốt có thể đóng góp gần 2 tỷ USD vào kim ngạch chung. Bên cạnh đó, công nghiệp đóng tàu, với sự đầu tư mạnh mẽ trong năm 2005 rất được kỳ vọng đóng góp lớn cho xuất khẩu trong năm tới.

Với những thay đổi tích cực đó, Bộ Thương mại vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu 2006 lên 38 tỷ USD. Tăng trưởng kim ngạch được trông đợi sự đóng góp từ rất nhiều mặt hàng mới. Đó chính là đổi thay tích cực mang lại sự phát triển bền vững cho xuất khẩu.

Theo VietNamNet

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu 2005: Vượt qua những nỗi lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.