Sức khỏe

Xuất huyết tiêu hóa gia tăng ở trẻ em:Không được chủ quan

Thu Trang 25/07/2024 - 06:39

Thời gian gần đây, tại các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô liên tục tiếp nhận nhiều trẻ em nhập viện trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày, tá tràng. Điều đáng nói là, nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, dứt điểm, xuất huyết tiêu hóa có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

noi-soi.jpg
Nội soi đại tràng cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai.

Nguyên nhân không thể bỏ qua

Trong những tháng gần đây, số lượng bệnh nhi 10-16 tuổi điều trị nội trú tại Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) vì xuất huyết tiêu hóa ngày một tăng. Hầu như tuần nào, nơi đây cũng tiếp nhận trẻ nhập viện với các biểu hiện của bệnh như: Hoa mắt, chóng mặt, kém ăn, buồn nôn, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, đau bụng, sụt cân, da xanh xao, nhợt nhạt…

Điển hình là trường hợp H.M.T. (16 tuổi, ở tỉnh Ninh Bình) có tiền sử bị loét hành tá tràng do nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (hay còn gọi là HP). Cách đây 2 tháng, T. đã phải điều trị 2 tuần tại bệnh viện địa phương. Đến cuối tháng 6-2024, vì bệnh tái phát với những biểu hiện nặng nề hơn nên bệnh nhi đã được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai để thăm khám, điều trị. Qua nội soi và làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa.

Trước đó, bé T.A. (10 tuổi, ở Hà Nội) được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất trong tình trạng da xanh bất thường, niêm mạc nhợt, mạch nhanh, huyết áp thấp. Trước khi nhập viện, bé đã có biểu hiện như: Hoa mắt, chóng mặt trong 3 ngày liên tiếp. Ngay lập tức, A. được làm các xét nghiệm máu, siêu âm và chụp X-quang ổ bụng, nội soi dạ dày. Kết quả cho thấy, trẻ có tình trạng thiếu máu nặng do xuất huyết tiêu hóa mà nguyên nhân xuất phát từ nhiều ổ loét vùng tá tràng…

Theo một số nghiên cứu y khoa, nguyên nhân chủ yếu gây xuất huyết tiêu hóa ở trẻ là do biến chứng của loét dạ dày, tá tràng. Lý do chủ yếu trẻ bị viêm loét dạ dày, tá tràng thường do vi khuẩn HP gây nên. Loại vi khuẩn này rất dễ lây nhiễm qua đường ăn uống do dùng chung bát, đũa, cốc, chén, đồ dùng sinh hoạt với người bệnh.

Đáng lưu ý, những trường hợp xuất huyết tiêu hóa rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Thế nhưng, biểu hiện bệnh thường không rõ rệt cho đến khi xuất hiện tình trạng nôn, ói ra máu hoặc đại tiện phân đen.

Trực tiếp điều trị cho nhiều bệnh nhi bị xuất huyết tiêu hóa, Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Hữu Hiếu (Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, những bệnh nhi gặp phải biến chứng xuất huyết tiêu hóa, tái phát viêm loét dạ dày, tá tràng đều do chưa tuân thủ đúng phác đồ điều trị nghiêm ngặt. Thêm vào đó, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt của trẻ cũng chưa phù hợp. Chẳng hạn như có trẻ vừa ăn xong đã hoạt động thể lực, ngồi học hoặc chơi trò chơi điện tử ngay, hay ăn uống những thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, nhiễm hóa chất...

Hạn chế nguy cơ mắc bệnh

Đáng nói là, đa số mọi người thường cho rằng, viêm loét dạ dày, tá tràng chỉ gặp ở người lớn, nhưng thực tế hiện nay gặp rất nhiều ở trẻ em mà cha mẹ không biết hoặc chủ quan.

Các chuyên gia y tế lưu ý, triệu chứng lâm sàng ở trẻ thường không giống người lớn. Ở người lớn, viêm loét dạ dày, tá tràng thường gây ra những cơn đau âm ỉ, còn ở trẻ là đau dữ dội, lăn lộn. Do đó, cha mẹ thường nhầm tưởng là đau bụng do ăn uống, nhiễm giun... nên mua thuốc cho dùng, dẫn đến làm giảm mất triệu chứng. Ngoài ra, trẻ bị viêm loét dạ dày, tá tràng cũng không gặp biểu hiện ợ hơi, ợ chua như người lớn mà thường là bị nôn ói, thậm chí nôn ra máu, bị đầy hơi, ăn khó tiêu, chán ăn... Nếu viêm loét dạ dày, tá tràng ở trẻ không được phát hiện sớm dễ dẫn đến xuất huyết tiêu hóa.

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Hữu Hiếu cho rằng, cha mẹ cần tránh các yếu tố dẫn đến nguy cơ gây bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng ở trẻ như: Chế độ ăn uống không đúng cách, sử dụng nhiều chất kích thích (bia, rượu, cà phê), ăn nhiều đồ ăn cay nóng, chiên xào, ăn không đúng bữa, ăn vội vàng, không nhai kỹ. Thêm vào đó là chế độ sinh hoạt không điều độ như: Ngủ không đủ giấc, thức quá khuya, ăn xong không nghỉ ngơi, vội vàng hoạt động thể lực, hoặc chơi điện tử, áp lực tinh thần trong cuộc sống, áp lực học hành căng thẳng... Thậm chí, việc lạm dụng quá nhiều thuốc giảm đau, chống viêm cũng làm tổn thương niêm mạc dạ dày, tá tràng.

Trong nhiều trường hợp xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày, tá tràng phải cần đến can thiệp, cấp cứu kịp thời để tránh nguy cơ tử vong. Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo, nếu phát hiện bất kỳ triệu chứng nghi ngờ nào như phân có màu đen như keo, phân có máu hoặc triệu chứng khác liên quan đến tiêu hóa, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức. Bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra lâm sàng và trong trường hợp cần thiết sẽ tiến hành làm các xét nghiệm để xác định nguyên nhân cụ thể gây ra xuất huyết.

“Cha mẹ tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc hoặc tự điều trị khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh. Việc dùng thuốc không đúng cách có thể làm tăng nguy cơ biến chứng và gây hại cho sức khỏe của trẻ. Ngoài ra, khi trẻ được chẩn đoán, xác định bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng, cha mẹ cần trang bị kiến thức về cách chăm sóc, quản lý chế độ ăn uống, sinh hoạt, học tập, vui chơi của trẻ, nhất là tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ để tránh bệnh tiến triển nặng lên hoặc tái phát”, Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Hữu Hiếu khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất huyết tiêu hóa gia tăng ở trẻ em: Không được chủ quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.