(HNM) - Trung tâm Nghiên cứu quốc học và Nhà Xuất bản Văn học vừa xuất bản bộ sách “Truyện ký Việt Nam trong thư tịch cổ” gồm 261 truyện ký đang được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam).
Bộ sách có hai tập, do hai nhà nghiên cứu Lâm Giang và Nguyễn Văn Tuân biên soạn, gồm các tác phẩm văn xuôi tự sự là truyện ký (truyện dài, truyện ngắn, mẩu truyện) được ghi lại trong tài liệu, sách vở viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm, đã tồn tại suốt thời kỳ phong kiến ở Việt Nam, từ thời Lý đến thời Nguyễn. Qua đây, người đọc cảm nhận được những buồn vui, trăn trở, tâm tư, nguyện vọng của người Việt xưa, đồng thời thấy rõ niềm tự hào của nhân dân ta về quê hương, đất nước, phong tục, tập quán…
Truyện được lựa chọn trong bộ sách chia thành hai thể loại truyện dài và truyện ngắn. Trong đó, truyện dài được viết theo chương hồi, chủ yếu lấy cảm hứng từ lịch sử, tiêu biểu như “Sự tích ông Trạng Quỳnh”, “Sự tích ông Trạng Lợn”… Truyện ngắn có nội dung phong phú, như truyện truyền kỳ, lịch sử…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.