(HNM) - Thế là xuân mới đã về. Xuân này, nhiều vùng quê thực sự thay da đổi thịt nhờ thành quả từ công cuộc xây dựng nông thôn mới, sự nỗ lực của mỗi gia đình. Niềm vui lan tỏa như những tia nắng ấm mùa xuân trải rộng khắp ngoại thành Hà Nội.
Gói bánh chưng dịp Tết Nguyên đán.Ảnh: Lam Thanh |
1. Không đợi đến Tết mà từ giữa tháng Chạp, làng Tràng Cát (xã Kim An, huyện Thanh Oai) đã tấp nập, nhộn nhịp. Đây là thời điểm thu hoạch lá dong lớn nhất của người dân trong làng phục vụ gói bánh chưng. Lá dong được trồng khắp các vườn nhà, ngoài bãi... Ở Tràng Cát, hầu như gia đình nào cũng có vườn lá dong.
Nhà anh Nguyễn Xuân Quyền ở Tràng Cát trồng 3 sào lá dong, năm nay thời tiết thuận nên lá có bản rộng, mẫu mã đẹp. Từ đầu tháng Chạp, lái buôn khắp nơi đã tới tận nhà đặt cọc, đợi đến giữa tháng về cắt lá, người dân không phải đi bán. “Trồng lá dong đơn giản, không phải chi phí nhiều, trồng một lần thu nhiều năm. Nếu chăm tốt, một sào lá dong có thể thu được 2 vạn lá, bán được 18 đến 20 triệu đồng, không kể các vụ thu rải rác trong năm” - anh Quyền cho biết.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Kim An Đỗ Hùng Cường cho hay, cả thôn Tràng Cát có 500 hộ dân, thì 80% số hộ trồng lá dong. Lá dong gắn bó và trở thành cây trồng thân thiết, đặc trưng của vùng quê này, mang lại thu nhập cho người dân. Điều vui hơn cả là Kim An đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới với điện, đường, trường, trạm khang trang. Xuân đến, Tết về, bà con phấn khởi khi mùa lá dong tươi tốt, mùa cam sai trĩu quả...
Không chỉ ở Kim An, dù còn nhiều khó khăn nhưng cơ bản trong năm Mậu Tuất, nông nghiệp của Hà Nội "được mùa, được giá", khắp thôn quê như được khoác tấm áo ấm áp hơn, tươi mới hơn. Những cánh bãi sông Hồng, sông Đuống của huyện Gia Lâm trước đây vốn chỉ trồng ngô, khoai, đậu... giờ là những vùng cây ăn quả ngút ngàn, vùng chuyên canh rau trù phú. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thị (huyện Gia Lâm) Trương Văn Quyết cho biết, xã Phú Thị có 115ha đất bãi từ sau dồn điền đổi thửa, hệ thống giao thông đã được cứng hóa, có điện để người dân tiện chăm sóc hoa màu. Đến nay, gần 100% diện tích đã được phủ kín cam, bưởi, ổi, chuối... cho thu nhập khoảng 400-500 triệu đồng/ha...
Có thể thấy, ngoại thành Hà Nội sau thành công của chương trình dồn điền, đổi thửa đã hình thành các vùng chuyên canh, đa canh quy mô lớn như: Vùng trồng hoa, vùng trồng cây ăn quả, vùng trồng rau an toàn, vùng chăn nuôi tập trung… Luồng sinh khí mới đã đến từng ngôi nhà, từng ngõ xóm, trên những cánh đồng. Cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn từng bước được nâng cấp và hoàn thiện. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 2,57% (năm 2017) xuống còn 1,81% (năm 2018). Nông thôn không còn nhà dột nát, đa số là nhà kiên cố, khang trang. Đến hết năm 2018, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 46,5 triệu đồng/người/năm...
2. Xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất) những ngày này hân hoan đón Tết. Bước chân trên những con đường thênh thang mới mở, chúng tôi được nghe câu chuyện những người nông dân nghèo chung tay góp sức, hiến đất làm đường.
Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm Đặng Văn Võ cho biết: Năm 2018, cả xã đã có 83 hộ hiến đất với diện tích hơn 880m2, trong đó có hơn 20 hộ đã phải tháo dỡ nhà hoặc công trình để hiến đất làm đường. Tại xóm Chiến Thắng (thôn Yên Lạc 2, xã Cần Kiệm), từ trước Tết, tuyến đường dài 700m đã được mở rộng 6m, đổ bê tông sạch đẹp. Trước đó, xóm Chiến Thắng đã tổ chức 3 cuộc họp dân. Với tinh thần nhất trí cao, cả 24 hộ có đất liền kề đều đồng ý hiến đất, tháo dỡ công trình với tổng diện tích hơn 200m2. Xóm còn bầu ra tổ vận động đảm nhận việc huy động sức dân và giám sát chất lượng thi công công trình. “Mở đường để bà con đi lại, sản xuất thuận lợi hơn, có mất đi đâu mà sợ” - ông Lê Văn Tôn, hộ gia đình hiến 68m2 đất hồ hởi cho biết. Càng trân trọng hơn khi giá đất ven đô tăng từng ngày, nhưng vì sự phát triển của quê hương, người dân khắp nơi sẵn sàng hiến đất để mở rộng đường ngõ xóm.
Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hoàng Thị Huyền, ngoài nguồn lực đầu tư của thành phố, doanh nghiệp, nhân dân đã chung sức với chính quyền đóng góp hàng nghìn tỷ đồng. Tính riêng từ đầu năm 2016 đến hết năm 2018, toàn thành phố đã huy động được hơn 28.863 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn huy động từ nguồn đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp được hơn 2.677 tỷ đồng... Nguồn vốn đầu tư lớn đã góp phần quan trọng trong kiến thiết hạ tầng nông thôn. Từng xóm, thôn đã gọn gàng hơn, nền nếp hơn; những ngôi nhà khang trang, bề thế mọc lên ngày một nhiều, môi trường sống ở nông thôn từng bước được cải thiện...
Không chỉ xây dựng nông thôn mới, phong trào xây dựng xã nông thôn mới nâng cao cũng sôi nổi ở nhiều địa phương. Bí thư Đảng ủy xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) Nguyễn Thị Kim Cúc cho biết, nhờ nền tảng hạ tầng tốt nên khi xây dựng nông thôn mới nâng cao, Đan Phượng tập trung hướng đến xây dựng vùng quê sáng - xanh - sạch - đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Đơn cử, công tác vệ sinh môi trường, bên cạnh duy trì đều đặn thu gom rác hằng ngày, đúng giờ, đúng nơi quy định, các gia đình ở xã Đan Phượng còn trang bị thùng đựng rác riêng. Người dân nơi đây có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường rất cao, các tuyến đường ở xã Đan Phượng luôn sạch sẽ. Đặc biệt, xóm nào của xã Đan Phượng cũng có cổng chào trang trí đẹp và treo câu đối Tết...
Sau hơn 8 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã có 325/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 3 xã của huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức... Nông thôn giờ đây đã trở thành chốn đi về của nhiều người. Anh Nguyễn Văn Quyết ở thôn Bá Dương Nội (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng) cho biết: Trước đây, ly nông - ly hương là mục tiêu của những người trẻ ở làng, song hiện giờ, với không ít người con quê hương dù rất thành đạt chốn đô thành nhưng vẫn quyết định sinh sống tại quê nhà bởi cơ sở hạ tầng tốt; môi trường xanh, sạch; đặc biệt, quê hương luôn ấm áp nghĩa tình... Nông thôn mới đã mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân và rút ngắn khoảng cách nông thôn - thành thị. Văn minh, no ấm và bình yên đang hiện hữu trong mỗi ngôi nhà ở nhiều vùng ngoại thành Hà Nội. Dường như ở những nơi đó, Tết này vui hơn những Tết xưa...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.