Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuân no ấm đang về

Nguyễn Mai| 29/01/2014 06:17

(HNM) - Xuân đã về trên mỗi nẻo đường. Nếu như phố thị, Tết lộng lẫy bởi ánh đèn đủ loại màu sắc, tấp nập bởi chuyện bán mua… thì ở các vùng nông thôn, Tết về trong sự yên bình, ngăn nắp, ấm áp. Mùa xuân này là năm thứ tư Hà Nội đồng loạt triển khai xây dựng nông thôn mới.

Ngày cuối năm về vùng ngoại ô Hà Nội, lãng đãng trong không khí xuân lan tỏa, thấy một nông thôn Hà Nội bừng sắc trên gương mặt những người nông dân hồn hậu. Cuộc sống của họ đã thực sự chuyển mình cùng mùa xuân đất nước.

Xuân đã về trên mọi nẻo đường của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Minh Quân



Những cung đường mùa xuân

Ngày giáp Tết, chúng tôi tới xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì để được tận mắt thấy những cung đường "hoa mười giờ" chạy dọc ngang khắp ngõ xóm, tô đẹp bức tranh quê. Khi những tia nắng ấm buông xuống, những bông mười giờ tím hồng chúm chím, bung nở khoe sắc dưới nắng xuân dịu dàng. Càng đẹp hơn, khi hoa nở giữa những con đường bê tông thẳng tắp và sạch sẽ. Nhịp sống ngày cuối năm như chậm lại, một vài cụ già ngồi chơi cờ bên ghế đá, mấy em nhỏ tíu tít nô đùa. Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp Trương Đức Long nói về những luống hoa chạy dài khắp xóm thôn: Tất cả chỉ vừa mới đến trong mấy tháng qua, khi xã đồng loạt triển khai làm đường giao thông ngõ xóm. Anh Long nhớ lại, là xã ven đô, Tứ Hiệp có tốc độ đô thị hóa nhanh. Khảo sát tiêu chí nông thôn mới, tuy đường làng đã khang trang song vẫn còn nhiều "nút thắt cổ chai", hai bên đường những chỗ còn thừa đất, cây cỏ dại mọc um tùm không ai cắt tỉa; trên cao, dây điện chằng chịt như "rác trời"… Nông thôn mới thì đường làng phải khác, Ban Thường vụ xã quyết làm đẹp cho các tuyến đường. Nhưng triển khai thế nào, kinh phí lấy ở đâu, trồng xong ai bảo vệ là điều mà ai cũng băn khoăn. Không ít người còn thẳng thừng cho rằng đó là những ý tưởng viển vông. Nhưng nếu vì khó không làm thì sẽ chẳng bao giờ làm được.

Đảng ủy xã Tứ Hiệp đã ra nghị quyết, UBND xã đã cây dựng kế hoạch về việc trồng xây xanh, trồng hoa dưới đất; bó lại dây điện, xóa bỏ biển quảng cáo không đúng vị trí. Một thông báo đặc biệt được phát đi: Các hộ lấn chiếm đất công ven đường trả lại mặt bằng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tuyên truyền đến toàn thể nhân dân. Chỉ trong 4 tháng triển khai, cả xã đã trồng được 600 cây sấu và 3 tấn hoa tóc tiên, mười giờ thì trồng vào tất cả những chỗ có đất trống dọc ngang đường làng. Hai bên đường hơn 100 ghế đá được đặt tại các điểm trồng cây, hoa. Từ chỗ hoài nghi, người dân trong xã đã tự nguyện đóng góp 1,5 tỷ đồng để trồng cây, trồng hoa mà không cần dùng đến tiền ngân sách. Ông Trương Văn Tiến, thôn Cổ Điển B cho biết: Ngày xưa nông thôn là những ngôi nhà mái rạ, ít ai nghĩ rằng làng quê giờ vẫn yên bình nhưng tiện nghi chẳng khác gì phố xá. Mỗi gia đình góp 100 nghìn đồng để trồng cây xanh, nhiều nhà có điều kiện thì ủng hộ thêm ghế đá mà ai cũng thấy vui.

Không riêng gì Tứ Hiệp, nhiều xã trên địa bàn huyện Đan Phượng cũng đã tích cực trồng cây, cải tạo hạ tầng nông thôn. Xã Song Phượng có tới gần chục ao được kè kiên cố, sạch đẹp, có ghế đá, hàng cây chẳng khác nào công viên. Chuyện tưởng như là nhỏ nhưng đã giúp mỗi xóm làng như khoác trên mình tấm áo mới.

Trên "cung đường mùa xuân", trong cái sắc xuân đã đong đầy ngược lên vùng Sơn Tây, Ba Vì, rồi đến các vùng quê Sóc Sơn, Mê Linh… đâu đâu cũng thấy sự đổi thay. Chưa bao giờ nông thôn Hà Nội được quan tâm đầu tư đồng bộ như thời gian qua. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái cho rằng, chỉ trong 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, thành phố đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng, trong đó nhân dân và doanh nghiệp đóng góp một nguồn lực không nhỏ để mang đến sự đổi thay làm sáng bừng lên bức tranh nông thôn ở các huyện ngoại thành. Để rồi khi Tết đến Xuân về, những người con ở nơi phố xá hay làm ăn trên khắp mọi miền đất nước trở về nơi chôn rau cắt rốn đều cảm thấy ấm lòng: Vẫn miền quê xứ Đoài, vẫn miền đồi gò Sóc Sơn hay vùng chiêm trũng Phú Xuyên nhưng thênh thang, rộng rãi, đẹp hơn thật nhiều.

Mùa trái ngọt

Diện mạo làng quê thay đổi, những "trái chín" đã xuất hiện ngày một nhiều sau thành công lớn của chương trình dồn điền đổi thửa. Những ngày cuối cùng của năm Quý Tỵ, theo chân các thành viên trong Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Hà Nội đi kiểm tra thực tế phong trào xây dựng nông thôn mới ở 19 huyện, thị xã, chúng tôi cảm nhận được phần nào sự đổi thay của đất ngoại thành với quy hoạch khá bài bản. Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Triệu Đình Phúc cho biết: "Ba năm qua huyện đã hình thành, duy trì được các vùng sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích mỗi năm đạt 1.200ha, diện tích trồng rau các loại đạt trên 1.000ha/năm, tăng 360ha so với năm 2010, trong đó 140,8ha sản xuất rau được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, tăng 105,3ha so với năm 2010. Cùng với đó là việc đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất. 100% diện tích sản xuất lúa trên địa bàn được làm đất bằng máy và trên 30% diện tích có máy phục vụ việc thu hoạch, phun thuốc.

Rời Thanh Trì, đến huyện Chương Mỹ - địa phương sớm thành công trong phong trào dồn điền đổi thửa, chứng kiến cánh đồng thửa lớn ở các xã Hồng Phong, Hữu Văn, Trần Phú… thẳng cánh cò bay, dọc ngang là hệ thống thủy lợi dẫn nước về từng thửa ruộng ai cũng thấy vui. Mới chỉ hơn 30 tuổi nhưng Nguyễn Văn Hải, ở xã Hữu Văn đã có trong tay một gia tài lớn. Đó là trại chăn nuôi tập trung với 70.000 con gà đẻ và 3.000 con lợn thịt. Hải nói: "Tôi ấp ủ làm trang trại đã rất lâu rồi nhưng chỉ thực sự có cơ hội mở rộng quy mô khi địa phương hoàn thành dồn điền đổi thửa. Sẵn có 6,8ha đất được giao, tôi thuê thêm 6ha của các hộ quanh vùng theo phương thức trả tiền thuê một lần 20 năm với mức 2 tạ thóc/ sào/năm và xây dựng trang trại chăn nuôi với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng". Hải cho biết thêm: Đến nay, trang trại mới hoạt động được 6 tháng, thu lãi hàng trăm triệu đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Cách Hữu Văn không xa, ở xã Trần Phú, những cánh đồng giờ đã trở thành những vườn cam, vườn bưởi. Chủ tịch UBND xã Trần Phú Lê Anh Kiều cũng là chủ nhân của một trang trại cam, bưởi trĩu quả phấn khởi cho biết, đây là vụ thu hoạch thứ hai của gia đình, dự kiến sẽ thu lãi khoảng 500 triệu đồng, gấp hơn 10 lần so với trồng sắn. Xuân về, trái cây chín đỏ au khắp các vườn trại hứa hẹn một cái Tết ấm no.

Quý Tỵ 2013 là một năm đầy giông bão với nông dân: biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao nhưng với những chương trình lớn của Thủ đô, người dân đã tìm được những điểm tựa để vượt khó. Ngoại thành Hà Nội đã thay đổi khá nhiều, nhiều lĩnh vực phát triển đến ngỡ ngàng. Xưa, mỗi chiều quê, trẻ con chân đất chạy tứa máu ra đồng hái rau khúc, rau sam. Nay con đường ra đồng phẳng lỳ, bà con có thể đi xe máy ra tận ruộng. Còn những người nông dân thì bảo nhau, từ ngày xây dựng nông thôn mới, cuộc sống khá lên nhiều, ý thức cộng đồng, ý thức công dân cũng chuyển biến tích cực, cây, củ, quả đầy đồng cũng chẳng lo mất mát… Xuân no ấm đang về trên những vùng quê.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xuân no ấm đang về

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.