(HNM) - Chuyển đổi số được xác định là xu thế tất yếu và diễn ra trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có báo chí - truyền thông. Nói cách khác, “chuyển đổi số là sự quyết định sống còn của báo chí”. Dưới đây là ý kiến của một số lãnh đạo cơ quan báo chí về vấn đề này.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật - Phó Tổng Biên tập báo điện tử Vietnam Plus:
Chuyển đổi số giúp báo chí đa dạng hóa nguồn thu

2.350 euro là chi phí tham dự một khóa học trong vòng 3 ngày tại London (Anh) do Hiệp hội Báo chí và các nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA) tổ chức vào tháng 7 tới, với chủ đề về cách thức gia tăng nguồn thu cho báo chí kỹ thuật số. Các nội dung chính của khóa học bao gồm: “Tại sao kỹ thuật số tạo ra sự khác biệt”, “Nhà báo và kinh doanh”, “Chiến lược nội dung và tư duy sản phẩm”, “Làm thế nào để vận hành một tòa soạn điện tử”, “Làm sao để kinh doanh dữ liệu”…

Khó nói chi phí nói trên là đắt hay rẻ (chưa bao gồm chi phí di chuyển và lưu trú), nhưng nó là một bằng chứng cho thấy chuyển đổi số đang giúp các cơ quan báo chí đa dạng hóa nguồn thu, như WAN-IFRA từng nhận định trong Báo cáo Insights năm 2021.

Trên thực tế, doanh thu từ độc giả (bao gồm thuê bao, quyên góp, phí thành viên…) và doanh thu từ quảng cáo vẫn được coi là hai trụ cột chính của báo chí. Tuy nhiên, chuyển đổi số đã mang lại cơ hội tạo nguồn thu mới, trong đó có kinh doanh dữ liệu, đối tác với các nền tảng số (chẳng hạn với YouTube) hay cung cấp các giải pháp về công nghệ… Ngay cả trong thời kỳ cả thế giới đóng cửa vì dịch bệnh, nhiều cơ quan báo chí vẫn có thể tổ chức được các sự kiện thông qua mô hình hội thảo trực tuyến.

Hay xét riêng về quảng cáo, khi các mô hình quảng cáo truyền thống như booking trực tiếp, bài PR, banner… đang thoái trào thì chuyển đổi số đã giúp các cơ quan báo chí tạo ra những sản phẩm mới thay thế. Mà điều quan trọng là những sản phẩm này đem lại hiệu quả truyền thông tốt hơn nhiều so với các sản phẩm truyền thống.

Bản thân các nhà quảng cáo, các nhãn hàng cũng hào hứng hơn với thành tựu của chuyển đổi số. Trong cuốn "Sáng tạo Báo chí" do Mạng lưới truyền thông quốc tế FIPP phát hành, các chuyên gia từng nhận định “Quảng cáo trúng đích có giá trị hơn nhiều so với vị trí quảng cáo”. Mà muốn quảng cáo trúng đích thì cần phải có dữ liệu về độc giả, khách hàng. Thế nên, cơ quan báo chí nào tận dụng được nguồn tài nguyên lớn từ dữ liệu độc giả (cũng chính là khách hàng) thì cơ quan báo chí đó sẽ có nhiều lợi thế trong cuộc đua về doanh thu.

Và, trong cuộc đua đó, việc đứng yên đồng nghĩa với tự sát!

Thu Hằnglược ghi

Nhà báo Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô:
Phát triển kinh tế báo chí là vấn đề cấp thiết

Tháng 9-2022, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Google tổ chức một chương trình đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số báo chí và kinh tế báo chí. Bốn chủ đề chính là: Phát triển độc giả, xây dựng và khai thác dữ liệu, tối ưu hóa doanh thu quảng cáo, và xây dựng doanh thu từ độc giả. Tham gia chương trình có đại biểu của gần 200 cơ quan báo chí, cho thấy mức độ quan tâm của giới báo chí đối với vấn đề này nóng như thế nào.

"Thay đổi hay là chết” là điều mà các chuyên gia vẫn ví von. Trước đây, các tờ báo, nhà đài giữ vị thế độc tôn về phát hành và quảng cáo, mang lại doanh số khá dồi dào thì nay, việc tồn tại và phát triển với nguồn tài chính ổn định tự tạo ra là điều chẳng dễ dàng.

Các hình thức tổ chức nội dung truyền thống đối mặt với nhiều thách thức trước sự xuất hiện của mạng xã hội. Báo chí truyền thống bị cạnh tranh bởi các nền tảng nội dung do người dùng không chuyên tạo ra. Điều đó buộc các cơ quan báo chí phải thay đổi. Cũng giống như doanh nghiệp, báo chí phải bắt kịp xu hướng chuyển đổi số nhằm thay đổi toàn diện hoạt động tòa soạn, từ tư duy quản lý, quản trị nhân lực, tối ưu hóa dữ liệu đến quy trình sản xuất, phân phối nội dung. Chuyển đổi số gắn liền với kinh tế số, chính là đa dạng hóa nguồn thu và tăng sức mạnh cạnh tranh của cơ quan báo chí với các nền tảng truyền thông mới.

Các chuyên gia truyền thông vẫn khẳng định, chuyển đổi số là sự quyết định sống còn của báo chí. Thế nhưng, cũng cần hiểu rằng, chuyển đổi số báo chí không phải là bức tranh màu hồng. Trước khi quyết định “đầu tư”, hãy suy nghĩ thật kỹ thực sự mình có thể làm được gì. Chuyển đổi số không phải là món đồ trang sức…

Thu Hằnglược ghi

Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội:
Báo chí giúp nâng cao nhận thức về bảo hiểm xã hội

Trong xu thế chuyển đổi số, báo chí vừa phải đáp ứng yêu cầu về thông tin để có thể cạnh tranh với các nền tảng thông tin số khác, đặc biệt là mạng xã hội, vừa phải lo “cơm, áo” cho người lao động. Thực tế đặt ra bài toán về kinh tế đối với nhiều cơ quan báo chí, nhất là với các cơ quan báo chí tự chủ về tài chính. Thế nên nhiều bộ, sở, ngành, địa phương, trong đó có Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã và đang phối hợp với một số cơ quan báo chí thực hiện hợp đồng tuyên truyền về những nội dung trọng tâm theo từng năm, từng giai đoạn…

Với Báo Hànộimới, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội luôn tin tưởng phối hợp thông tin, truyên truyền về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong nhiều năm qua. Chúng tôi cơ bản hài lòng về các sản phẩm báo chí do Báo Hànộimới cung ứng. Nhiều sản phẩm của Hànộimới được chúng tôi sưu tầm, chia sẻ, quảng bá trên Cổng thông tin điện tử, kênh Fanpage, Zalo OA của đơn vị, giúp người dân, doanh nghiệp, người lao động tham gia chính sách có nhận thức đúng đắn và cách hiểu đa chiều, tăng sự tương tác, trao đổi về vấn đề mà mình quan tâm.

Hy vọng trong thời gian tới, các cơ quan báo chí có sự chuyển đổi số mạnh mẽ, toàn diện, thay đổi phương thức làm báo theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng, đa thiết bị, mang đến cho công chúng những sản phẩm thông tin mới mẻ, hấp dẫn hơn. Kinh tế báo chí cũng nhờ đó có thể khởi sắc hơn.

Minh Ngọc lược ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xu thế tất yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.