Đây là quan điểm được các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm với chủ đề "Xu thế phát triển xe hybrid tại Việt Nam" do Báo Giao thông tổ chức ngày 12-3 tại Hà Nội.
Chi phí vẫn là rào cản chính
Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp ô tô đã chia sẻ những định hướng chính sách, cung cấp hiểu biết về công nghệ và những ưu, nhược điểm của dòng xe hybrid.
Xe hybrid là công nghệ điện hóa mới khiến giá xe cao hơn so với phương tiện xăng - dầu truyền thống, nhưng cũng có những yếu tố tạo ưu thế cho dòng xe này. Trong đó, lợi thế quan trọng nhất là giảm phát thải ngay, nhưng không thay đổi thói quen sử dụng của người tiêu dùng, cũng như không gây ra những xáo trộn đối với đời sống xã hội và nền kinh tế, cho phép các nhà sản xuất và các quốc gia với xe hybrid đóng góp ngay vào các chương trình giảm phát thải.
Ưu thế thứ hai là người dùng có thể có trải nghiệm như xe điện với xe hybrid mà không gặp trở ngại về hạ tầng sạc. Thứ ba là những cải tiến đến từ công nghệ điện hóa như tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải hay tính êm ái.
Các chuyên gia cũng chỉ ra một số rào cản, trong đó nổi cộm là vấn đề chi phí. Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc (Đại học Bách Khoa Hà Nội), công nghệ mới bao giờ cũng có chi phí cao hơn so với các công nghệ cũ đã khấu hao nhiều, trong khi các nhà sản xuất cũng có xu hướng tích hợp thêm các công nghệ mới, nhất là công nghệ an toàn, khiến giá xe hybrid có phần vọt lên so với mặt bằng chung các loại xe truyền thống.
Cũng về vấn đề này, ông Đặng Minh Tuân, Trưởng ban Kế hoạch sản phẩm Toyota Việt Nam cho biết, về cơ cấu chi phí để sản xuất và vận hành xe hybrid, có phần rất lớn liên quan đến hai nguyên liệu chế tạo là nickel và lithium. Giá thành các loại vật liệu này trên thế giới chưa ổn định, có thời điểm lên rất cao. “Đây là một yếu tố lớn làm tăng giá xe hybrid, ngoài ra còn liên quan đến công nghệ chế tạo và chi phí nghiên cứu, phát triển”, ông Tuân nhấn mạnh.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, vấn đề chi phí có thể được bù đắp bằng những lợi thế trong sử dụng. Theo anh Hoàng Tùng Anh, một chủ xe hybrid tại Hà Nội, anh phải tốn thêm khoảng 100 triệu đồng so với phiên bản “thường”, nhưng bài toán về mùi xăng, về sức ì khi tăng tốc được giải quyết triệt để.
Nhấn mạnh tới tính tiết kiệm nhiên liệu vượt trội của xe hybrid so với xe thuần xăng truyền thống, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc cũng cho biết, một nghiên cứu riêng của ông và nhóm cộng sự năm 2023 cho thấy, Hà Nội có khoảng 1,125 triệu xe ô tô cá nhân. Nếu chuyển đổi toàn bộ xe xăng hiện nay sang hybrid, sẽ tiết kiệm 3 triệu lít xăng mỗi năm.
Cần chính sách hỗ trợ phù hợp
Trưởng phòng Công nghiệp chế tạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phan Lê Hoàng Linh, cho rằng, ít nhất trong khoảng hơn 10 năm nữa, hầu hết các thị trường lớn trên thế giới vẫn có kế hoạch phát triển các dòng xe hybrid.
Tại Việt Nam, Bộ Công Thương đang xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô trong thời kỳ mới. Một trong những trọng tâm là thiết kế lộ trình và chính sách phù hợp cho xe điện hóa, trong đó có xe hybrid. Theo đó, chiến lược phát triển sẽ được xây dựng phù hợp với các yếu tố hạ tầng, thói quen của người tiêu dùng, chiến lược của các hãng xe và lộ trình chuyển đổi năng lượng quốc gia, trong đó, tất cả loại xe thân thiện môi trường đều cần có lộ trình phù hợp.
Tuy nhiên, ông Linh cũng nhấn mạnh, hiện nay, Nhà nước chưa có chính sách ưu đãi cụ thể, đặc thù nào cho xe hybrid. “Trong quá trình xây dựng chính sách, có quan điểm cho rằng, việc trợ giá xe hybrid chưa phù hợp do còn liên quan đến việc cân đối ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, bản thân người dùng xe hybrid cũng đang có đóng góp vào việc giảm phát thải, bảo vệ môi trường, vì vậy nên có sự hỗ trợ từ Nhà nước cho nhóm người dùng này”, ông Linh cho biết.
Hiện, có nhiều kiến nghị sửa chính sách ưu đãi cho xe điện hóa dựa trên tiêu chí mức phát thải CO2 - nhiều nước cũng đang dùng phương pháp này. Nếu theo hướng này, xe hybrid cũng sẽ có ưu đãi vì cũng giảm phát thải.
"Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu các đề xuất từ chuyên gia và doanh nghiệp với số liệu, nghiên cứu cụ thể để khi trình lên các cấp cao hơn sẽ có những chính sách thiết thực hơn với xe điện hóa nói chung và hybrid nói riêng. Cho đến khi hệ thống năng lượng được chuyển đổi theo lộ trình, các dòng xe hybrid vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng để từng bước thực hiện lộ trình điện hóa phương tiện giao thông, tiến tới phổ biến xe điện các loại tại Việt Nam", ông Linh nêu rõ, đồng thời cho biết, cần thêm những công trình nghiên cứu khoa học với kết quả cụ thể cho phép căn cứ vào đó thiết kế chính sách cho phù hợp nhất.
* Cũng theo số liệu chia sẻ tại tọa đàm, chỉ trong 5 năm trở lại đây, Việt Nam tới nay đã tiêu thụ trên 12.000 xe hybrid các loại, và tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, riêng 2 tháng đầu năm, đã có khoảng 900 xe nhóm này tới tay người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.