Theo quy định hiện hành, đổ rác sai quy định có thể bị phạt đến 2 triệu đồng. Tuy nhiên, tại nhiều tuyến phố, ngõ trên địa bàn Hà Nội vẫn tồn tại khá nhiều “điểm đen” rác thải.
Ngoài lý do một số người dân có ý thức kém, việc khó xử lý người vi phạm là nguyên nhân khiến tình trạng đổ rác bừa bãi còn phổ biến và ảnh hưởng đến môi trường sống, mỹ quan đô thị.
Tiện đâu... vứt rác ở đó
Tại ngõ 58 phố Trần Bình (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy), sau mỗi đêm, rác thải lại chất đầy ở các góc khuất, dưới chân cột điện khiến khu vực luôn mất vệ sinh, gây bức xúc cho nhiều người dân.
Tình trạng tương tự cũng xuất hiện ở ngõ 260 phố Cầu Giấy (quận Cầu Giấy). Theo quy định, mỗi ngày 2 lần vào sáng và chiều tối, công nhân vệ sinh môi trường đi đến từng ngõ ngách, gõ kẻng để báo người dân mang rác ra điểm tập kết. Tuy nhiên, vẫn còn những hộ gia đình thiếu ý thức vứt rác không có giờ giấc, lúc nào tiện thì họ mang ra để ở chân cột điện đầu ngõ. Nhiều cá nhân lợi dụng đêm tối vắng người, mang rác cồng kềnh ra vứt trộm. Cũng vì lý do này mà vỉa hè phố Dương Quảng Hàm (quận Cầu Giấy) thường xuyên đầy rác thải.
Ở vị trí chân cột điện tại lối vào ngõ 84 phố Chùa Láng (quận Đống Đa) từ lâu cũng trở thành điểm vứt rác. Rác lưu cữu ở khu vực suốt ngày đêm, bốc mùi khó chịu. Không chỉ vậy, ngay trên phố Chùa Láng, việc vứt rác không đúng nơi quy định, không có giờ giấc cũng diễn ra thường xuyên ở nhiều điểm. Đơn cử, trước cửa số nhà 52 phố Chùa Láng luôn có một đống rác các loại - từ rác sinh hoạt đến rác cồng kềnh - án ngữ.
Tiếp tục ghi nhận tại các quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàng Mai…, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy hành vi vứt rác sai quy định cũng khá phổ biến. Ngay tại đầu ngõ 85 đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai), rất nhiều rác thải được chất đống từ ngày nay sang ngày khác, làm không gian ô nhiễm.
Phố Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) - con phố vốn nổi tiếng bởi cảnh quan đẹp - cũng là "nạn nhân" của nạn vứt rác bừa bãi. Thật đáng buồn khi nhiều du khách đến đây để tham quan, chụp ảnh nhưng cũng tiện tay vứt rác ra đường, vào các gốc cây...
Thói quen xấu "tiện đâu... vứt rác ở đó" cũng khiến điểm chờ xe buýt Nhổn (quận Bắc Từ Liêm) trở nên nhếch nhác, ô nhiễm vì thường xuyên bị rác thải bủa vây.
Khó xác định đối tượng vi phạm
Chính phủ đã quy định rõ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7-7-2022. Theo đó, hành vi vứt rác bừa bãi có thể bị xử phạt lên đến 2 triệu đồng. Quy định là vậy, nhưng do rất ít trường hợp bị xử phạt, nên người dân chưa có ý thức, đổ rác đúng thời gian, đúng nơi quy định. Bởi vậy, tại nhiều nơi kể cả có biển cấm đổ rác thì “cấm thì cứ cấm, đổ vẫn cứ đổ”. Thực tế cho thấy, việc tìm ra hành vi và xử lý những người vi phạm không dễ dàng.
Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Viết Hùng cho biết, phường chưa xử phạt được trường hợp nào. Nguyên nhân là do rất khó để xác định được đối tượng vi phạm khi họ cố tình đổ rác trong đêm, né tránh camera giám sát. Thậm chí, nếu phát hiện người vi phạm qua hệ thống camera thì cũng khó xác định để xử lý, bởi tại nhiều địa điểm, camera có độ phân giải thấp nên khó nhận dạng khuôn mặt. Do vậy, phường chỉ còn cách tập trung tuyên truyền tới các ban, ngành, đoàn thể và tổ trưởng tổ dân phố để người dân nâng cao ý thức, thực hiện đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định.
Với các địa phương khác, tình trạng cũng tương tự. Theo Chủ tịch UBND phường Thịnh Quang (quận Đống Đa) Vũ Mai Khanh, ngày 20-9-2024, UBND phường đã ban hành Quyết định số 110/QĐ-UBND xử phạt vi phạm hành chính đối với một nam sinh viên có hành vi đổ rác không đúng nơi quy định tại ngõ 242 đường Láng, số tiền phạt là 750.000 đồng. Theo bà Khanh, trường hợp xử phạt thành công nêu trên là do camera giám sát chụp được góc sáng, phát hiện rõ mặt người vi phạm. Còn trong thực tế, để tìm ra người đổ rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định vô cùng khó khăn vì các trường hợp vi phạm thường không cố định một điểm hoặc giờ giấc nào.
Người vi phạm mang theo rác khi đi xe máy, qua các khu vực ngõ ngách khuất hoặc tuyến phố đông người qua lại để vứt. Bỏ rác bừa bãi cũng thường xảy ra vào buổi tối, đêm khuya ở những khu vực ít người, không có camera giám sát. Có trường hợp phát hiện qua camera giám sát của hộ dân nhưng không xác định được danh tính vì không phải người cư trú ở địa phương. Có trường hợp người dân chụp được ảnh biển số xe người vi phạm, nhưng khi công an xác minh thì xe đó đăng ký ở địa phương khác.
Mặc dù đã có những chế tài cụ thể nhưng việc triển khai xử phạt các hành vi vứt rác thải không đúng quy định còn nhiều khó khăn. Dẫu rằng, việc tăng cường tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức về bỏ rác đúng nơi quy định là cần thiết, nhưng điều đó chưa đủ. Các địa phương cần có những biện pháp hiệu quả hơn trong công tác kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm, bảo đảm tính răn đe.
Chỉ có như vậy, chúng ta mới có những khu phố xanh, sạch để cùng xây dựng một Thủ đô văn minh, văn hóa, bảo đảm mỹ quan đô thị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.