(HNM) - Theo kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), một số mẫu bùn thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh, do Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh chôn lấp trái phép, có chứa xyanua vượt ngưỡng.
Cơ quan chức năngtiến hành di chuyển chất thải của Formosa trong trang trại của ông Lê Quang Hòa. Ảnh: Nguyên Dũng |
Để làm rõ hơn sự nguy hại của loại hóa chất này với môi trường, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với GS-TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường - Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh.
- Xin ông cho biết, chất xyanua gây nguy hại như thế nào đối với môi trường?
- Xyanua là chất hóa học rất độc, phản ứng nhanh. Tiếp xúc với một lượng lớn xyanua có thể gây tổn thương não và tim mạch, tiếp xúc liều lượng thấp có thể gây khó thở, đau tim, nôn mửa, đau đầu... Ở một hàm lượng nhất định, xyanua có khả năng gây chết người và sinh vật. Khi sử dụng xyanua, việc quản lý phải hết sức chặt chẽ. Về nguyên tắc, dù chỉ có thành phần 0,01% độc tố thì chất thải vẫn bị liệt vào dạng chất cấm.
- Bộ TN&MT đã kết luận một số mẫu bùn thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh được chôn lấp có chứa xyanua vượt ngưỡng nguy hại. Vậy mức độ ảnh hưởng sẽ như thế nào?
- Tôi đồng tình với quyết định khởi tố vụ chôn lấp chất thải của Formosa Hà Tĩnh. Như đã nói, xyanua là hóa chất độc, mặc dù lượng hòa tan không lớn nhưng khi thấm vào đất và hệ thống nước ngầm sẽ gây ô nhiễm. Mức độ như thế nào phải nghiên cứu, phân tích; nếu trên nền đất cát thì ảnh hưởng vô cùng lớn, vì chất độc sẽ lan nhanh; còn trên nền đất sét và phía dưới có tầng không thấm được thì mức độ hạn chế hơn. Nhưng xử lý xyanua không đúng phương pháp sẽ hết sức nguy hại, gây tác động khủng khiếp đến môi trường.
- Là một chuyên gia, nhà khoa học, theo ông việc xử lý xyanua có khó khăn không?
- Việc xử lý không quá phức tạp. Chất xyanua nếu ở trong nước sẽ bị phân tán, giảm dần, thậm chí có một số vi sinh vật có thể hấp thụ và phân hủy xyanua. Xyanua là anion hóa trị 1, là gốc của axit yếu nên có thể dùng axit mạnh hơn để “đẩy ra”. Có rất nhiều biện pháp xử lý xyanua. Nhưng xyanua ở dạng hợp chất thì khó xử lý hơn dạng đơn giản. Tôi cho rằng, cần phải chuyển chất thải nguy hại này về nhà máy có đủ năng lực để xử lý; ở đó họ có thiết bị và phương pháp tách hóa bùn chất thải.
- Ông có nhận xét gì về công nghệ được Formosa sử dụng tại Hà Tĩnh? Tại sao lại có xyanua trong bùn thải?
- Hiện nay, công nghệ lò cao trong sản xuất thép đã cổ và không mấy ai sử dụng xyanua vì nó độc hại, khó quản lý. Quá trình sản xuất thép từ quặng sắt, bao giờ cũng thải ra một khối lượng lớn xỉ lò cao. Ngoài xyanua, trong xỉ còn chứa rất nhiều chất độc hại khác, đặc biệt là kim loại nặng, như: Chì, thủy ngân, cadimi... Khối lượng khổng lồ xỉ lò cao sẽ gây ô nhiễm môi trường và vùng đất chứa xỉ lò cao bị coi là vùng đất “chết”, vì các loài thực vật, động vật rất khó sống và phát triển. Ngoài ra, nước mưa sẽ rửa trôi các chất độc hại có trong đất, chảy ra sông, hồ gây ô nhiễm nguồn nước. Do vậy, tôi nghĩ, thời gian tới các cơ quan, ban, ngành cần phải quản lý chặt chẽ, không chỉ Formosa Hà Tĩnh, mà với tất cả các doanh nghiệp, không để xảy ra những sự cố môi trường không đáng có.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.