(HNM) - Chủ công trình, nhà thầu ký cam kết, nhưng không chấp hành nghiêm; nhiều lái xe chống đối, bất hợp tác, trong khi chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe đã khiến tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trên địa bàn Thủ đô diễn biến phức tạp. Vì thế, tăng cường giám sát, phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng; xử phạt nặng các đơn vị, cá nhân vi phạm đang là yêu cầu bức thiết đặt ra.
Vẫn nhiều vi phạm
Ngày 11-10, đang giữa khung giờ trưa, nhưng tại dự án Golden Land Tây Hồ (Lô N03 - T7 - Khu ngoại giao đoàn, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm), chiếc máy xúc vẫn miệt mài xúc từng gầu đất đổ lên chiếc xe ben mang biển kiểm soát 29C-824.59. Dù đứng từ xa phóng viên cũng thấy rõ “màn sương” bụi mù bao phủ không gian sau mỗi lần lượng phế thải được đổ vào thùng xe.
Thế nhưng, khủng khiếp nhất phải kể tới dự án mở rộng tuyến đường nối từ đường Phạm Văn Bạch qua tòa nhà Star Tower ra đường Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy). Ghi nhận của phóng viên tại đây cho thấy, cả đoạn đường dài khoảng 500m biến thành “đại công trường” ngổn ngang đất cát, phế thải… khiến mỗi lần có phương tiện đi qua, bụi lại cuốn lên theo mỗi vệt bánh xe. Cách đó không xa, dự án tòa nhà Trung tâm thương mại, dịch vụ và văn phòng FPT (FPT Tower) tại lô đất D28, Khu đô thị mới Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), toàn bộ mặt đường phía trước tòa nhà này từ lâu đã biến thành “ổ voi”, ngày nắng ngập bụi, còn ngày mưa lại ngập nước.
Tại quận Hà Đông, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng diễn ra tương tự tại nhiều dự án. Theo quan sát của phóng viên, trước cửa chính vào dự án xây dựng tòa chung cư Samsora 105 (gần cầu Am, phường Yết Kiêu) do Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội làm chủ đầu tư luôn vương vãi nhiều đất cát do xe chở vật liệu phục vụ công trình gây ra.
Bà Nguyễn Phương Ngọc, tổ dân phố 3, phường Yết Kiêu, có nhà ở gần công trình cho biết: Từ ngày dự án triển khai, cả tuyến phố này bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi bụi bẩn do các xe chở phế thải, vật liệu xây dựng... từ chân công trình kéo ra. Gần đó, dự án xây dựng Tòa tháp Hà Tây thiên niên kỷ ngay đầu đường Chu Văn An (gần ngã tư Bưu điện Hà Đông) cũng thường xuyên gây bụi bẩn ra đường. Vỉa hè đường Chu Văn An, giáp công trình có rất nhiều vữa rơi vãi...
Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Lê Xuân Tiến cho biết, chỉ tính trong 9 tháng năm 2019, Thanh tra Sở đã lập biên bản 3.729 trường hợp vận chuyển vật liệu xây dựng, đất, phế thải vi phạm vệ sinh môi trường, xử phạt tổng cộng hơn 8,6 tỷ đồng. Cùng với đó, lập biên bản 295 đơn vị thi công, xử phạt hơn 1,2 tỷ đồng.
Tăng cường phối hợp thường xuyên
Tình trạng vi phạm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố, song khâu kiểm tra, xử lý lại bộc lộ những khó khăn. Ông Trần Hoàng Linh, Phó Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông - vận tải đường bộ (thuộc Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) cho biết, chế tài xử lý hành vi vi phạm lôi kéo đất cát từ công trình ra đường bộ, hoặc chở vật liệu làm rơi vãi ra đường chỉ phải chịu phạt ở mức từ 1 đến 3 triệu đồng/trường hợp là rất nhẹ.
Vì thế, đa phần các chủ công trình, doanh nghiệp vận tải đều ký cam kết bảo vệ môi trường, nhưng không thực hiện nghiêm. Thậm chí, nhiều đối tượng còn thuê người theo dõi, nếu thấy lực lượng chức năng bố trí chốt trực lập tức tạm ngừng hoạt động, sau khi lực lượng chức năng rút đi lại vi phạm. Ngay cả khi bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe, rất nhiều lái xe có hành vi chống đối, bất hợp tác; không xuất trình giấy tờ, tìm mọi cách để... "câu giờ".
Những nhận xét này là có cơ sở, bởi ngay khi nhận được phản ánh của phóng viên Báo Hànộimới về tình trạng công trường thi công, cũng như việc vận chuyển vật liệu, phế thải không bảo đảm vệ sinh môi trường, ông Phạm Như Dũng, Trưởng ban Quản lý dự án Tòa tháp Hà Tây thiên niên kỷ chống chế: "Chúng tôi thường xuyên quán triệt, yêu cầu nhà thầu thi công chấp hành nghiêm phương án thi công và các biện pháp bảo vệ môi trường. Khi chở đất, cát, vật liệu xây dựng ra vào công trường, thùng xe phải được che chắn, rửa xe sạch sẽ. Tuy nhiên, quá trình thi công, đôi lúc nhà thầu chưa chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ môi trường, nên vẫn còn để xảy ra bụi bẩn phía ngoài công trường".
Ông Nguyễn Khắc Huy, Chủ tịch UBND phường Yết Kiêu (quận Hà Đông) cho biết, nhằm khắc phục tồn tại trên, phường phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện lưu thông trên đường để vương vãi bùn đất; nhắc chủ đầu tư, nhà thầu đang triển khai dự án trên địa bàn... thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ môi trường.
Theo Trung tá Hoàng Văn Nam, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (Công an quận Hà Đông), trong quá trình triển khai nhiệm vụ, chủ đầu tư một số công trình thiếu hợp tác. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm còn chưa được thường xuyên, thiếu chặt chẽ. Đây là những bất cập cần sớm có giải pháp khắc phục.
Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Lê Xuân Tiến cho rằng, xử lý triệt để vấn đề về vi phạm môi trường trong lĩnh vực giao thông, xây dựng rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, giám sát, xử phạt, tạm thời đình chỉ thi công đối với các công trình, công trường xây dựng vi phạm về môi trường. Cùng với đó cần sự tham gia tích cực của các lực lượng chức năng liên quan như Cảnh sát môi trường, Thanh tra Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường... nhằm tạo sức mạnh tổng hợp. "Ngoài ra, chế tài xử lý cũng cần nghiên cứu điều chỉnh theo hướng tăng nặng. Có như vậy, vi phạm mới từng bước giảm" - ông Lê Xuân Tiến kiến nghị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.