(HNM) - Trên địa bàn huyện Thường Tín còn nhiều trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ xuân 2020. Do vậy, huyện đang tập trung thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này.
Qua khảo sát thực tế tại một số công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Thường Tín trong những ngày đầu năm, phóng viên Báo Hànộimới phát hiện nhiều vi phạm ảnh hưởng trực tiếp hoạt động dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ xuân 2020. Cụ thể, trên kênh tưới của Trạm bơm Quần Hiền (xã Hòa Bình), đơn vị thi công tuyến đường 427 (do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thường Tín làm chủ đầu tư) đã làm hỏng 6 đoạn kênh, với tổng chiều dài gần 150m. Trên kênh T12 (thuộc địa bàn xã Quất Động), gia đình ông Nguyễn Đức Thành dựng lều lán trong lòng kênh với diện tích hơn 30m2. Tương tự, trên tuyến sông Nhuệ (đoạn xã Khánh Hà), gia đình ông Nguyễn Đại Lâm xây dựng
nhà cấp 3 với diện tích hơn 20m2 trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi…
Bà Nguyễn Thị Lan, người dân xã Hòa Bình bất bình: “Còn chưa đầy 20 ngày nữa là đến thời điểm làm đất gieo mạ cấy vụ lúa xuân. Với tình trạng công trình thủy lợi bị xâm hại như hiện nay, người dân rất lo lắng trước nguy cơ không có nước về đồng ruộng. Chúng tôi mong các cấp, các ngành xử lý nghiêm vi phạm và có phương án cấp đủ nước cho sản xuất vụ xuân đúng khung thời vụ…”.
Theo Phó Trưởng phòng Quản lý nước và công trình (Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ) Bùi Anh Tuấn: Năm 2019, trên địa bàn huyện Thường Tín phát sinh 134 vụ vi phạm pháp luật thủy lợi. Hành vi vi phạm chủ yếu là xây tường rào, làm chuồng chăn nuôi, trồng cây trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi... “Mặc dù công ty và huyện đã có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo nhưng các xã, thị trấn mới xử lý được 40 vụ, còn tồn đọng 94 vụ…”, ông Bùi Anh Tuấn thông tin thêm.
Về nguyên nhân phát sinh vi phạm, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Nguyễn Thanh Hưng cho biết, một số chủ đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục về giấy phép xây dựng dẫn đến vi phạm Luật Thủy lợi. Mặt khác, một số hộ dân chưa hiểu đầy đủ các quy định của Luật Thủy lợi nên đã tự ý lấn chiếm, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, trồng cây, tập kết vật liệu xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi… Cùng với đó, một số xã, thị trấn chưa kiên quyết xử lý vi phạm...
Để chấn chỉnh tình trạng trên, huyện Thường Tín đã phê bình các đơn vị, địa phương chưa thực hiện đúng quy định của Luật Thủy lợi; đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương thu dọn vật cản, đưa các công trình thủy lợi mới xây dựng vào sử dụng ngay trong đợt lấy nước đầu tiên phục vụ sản xuất vụ xuân 2020.
Cùng với đó, huyện Thường Tín yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thủy lợi; vận động các hộ dân tự giác tháo dỡ, giải tỏa vi phạm. “Nếu xã, thị trấn nào phát sinh vi phạm mà không kịp thời xử lý, huyện sẽ tạm đình chỉ nhiệm vụ điều hành của chủ tịch UBND xã đó để tập trung xử lý, giải tỏa dứt điểm các vi phạm…”, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy khẳng định.
“Thực hiện chỉ đạo trên, Phòng Kinh tế huyện đang phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, thống kê và lập kế hoạch, phương án xử lý từng vụ việc vi phạm; trong đó, sẽ tập trung xử lý dứt điểm những vi phạm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ xuân 2020 trước ngày 15-1 này...”, Phó Trưởng phòng Kinh tế Nguyễn Thanh Hưng cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.