Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý vi phạm công trình thủy lợi: Thiếu quyết liệt, hậu quả lớn

Hữu Hoài| 09/12/2015 06:08

(HNM) - Thực trạng vi phạm công trình thủy lợi (CTTL) trên địa bàn Hà Nội khá nhức nhối: Trong khi hàng nghìn vi phạm tồn đọng chưa bị xử lý dứt điểm thì lại phát sinh vi phạm mới. Vấn đề này đã và đang làm phát sinh nhiều hệ lụy đối với sản xuất nông nghiệp.


Ngổn ngang vi phạm

Sau nhiều nỗ lực giải tỏa, đến hết tháng 10, trên địa bàn thành phố vẫn tồn đọng 13.517 vụ vi phạm chưa xử lý. Trong đó, có gần 5.240 vụ xây dựng nhà cấp 4, 2.130 nhà xưởng, hơn 1.550 lều lán, 7 lò gạch, 64 ao, gần 1.620 vụ trồng cây lâu năm và gần 2.800 vụ vi phạm khác nằm trong phạm vi bảo vệ CTTL; tổng diện tích đất bị lấn chiếm bất hợp pháp lên tới gần 1,4 triệu mét vuông. Riêng trục chính Sông Nhuệ tồn đọng 4.820 vụ vi phạm xây dựng nhà kiên cố, lều lán, lấn chiếm lòng sông gây cản trở trục tiêu thoát chính của toàn hệ thống.

Một trường hợp vi phạm quy định bảo vệ công trình thủy lợi.


Vi phạm nhiều nhất tập trung trên địa bàn các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, huyện Thanh Trì và Thường Tín với gần 4.320 vụ xây dựng nhà cấp 3, cấp 4, nhà xưởng, lều lán, công trình phụ… Tại huyện Thanh Trì, bờ tả Sông Nhuệ dài khoảng 9km qua các xã Tả Thanh Oai, Đại Áng, còn bờ hữu dài khoảng 3,2km qua xã Hữu Hòa, ngoài tồn đọng hàng trăm vụ vi phạm, trong năm 2015 còn phát sinh thêm 36 vụ vi phạm, song mới giải tỏa được 18 vụ.

Hệ thống CTTL do Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Đáy quản lý phục vụ tưới tiêu 30.000ha đất nông nghiệp của các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và quận Hà Đông cũng ngổn ngang vi phạm tồn đọng. Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý nước và Công trình công ty cho biết, riêng huyện Chương Mỹ còn tồn đọng 1.411 vụ vi phạm, tiếp đến các huyện Thanh Oai 812 vụ, Hoài Đức 457 vụ, Mỹ Đức 273 vụ, Đan Phượng 188 vụ và quận Hà Đông 242 vụ.

Các vụ vi phạm chủ yếu là xây dựng nhà kiên cố, nhà cấp 3, cấp 4, xưởng sản xuất, lều lán, lò gạch, trồng cây, thả rau, bèo, đổ chất thải rắn… gây ách tắc dòng chảy. Ngoài số lượng tồn đọng, từ đầu năm đến nay, trên hệ thống công ty quản lý phát sinh thêm 42 vụ vi phạm. Nếu tính lũy kế, từ đầu năm đến cuối tháng 10, toàn thành phố phát sinh 377 vụ vi phạm, nhưng mới giải tỏa được 256 vụ (217 vụ vi phạm tồn đọng cũ và 39 vi phạm mới phát sinh). Theo ông Tuấn, thực trạng vi phạm CTTL khá phức tạp, ảnh hưởng đến việc tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Xử lý dứt điểm

Thực tế nêu trên có nguyên nhân khách quan là nhiều CTTL chưa được cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ở khía cạnh khác, do tồn tại của lịch sử để lại, đơn cử tại xã Tả Thanh Oai có 3 đình, chùa được công nhận di tích lịch sử quốc gia, 4 khu tập thể với 200 hộ của cơ quan, đơn vị và 19 hộ có đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đây nằm trong phạm vi bảo vệ CTTL.

Theo ông Lưu Đình Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai, để xử lý dứt điểm thì không đơn giản, chi phí khá tốn kém. Tương tự, xã Hữu Hòa có 56 hộ, đất nằm trong phạm vi bảo vệ CTTL đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Đào Bá Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Hòa đề nghị, các cấp có thẩm quyền sớm xem xét bố trí tái định cư cho các đối tượng có đất thổ cư nằm trong diện phải giải tỏa để người dân có đất ở.

Ông Lê Xuân Uyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi Hà Nội cho rằng, việc phối hợp xử lý vi phạm CTTL lâu nay giữa các cấp, các ngành thành phố thiếu chặt chẽ. Mức độ, khung xử phạt hành chính thấp không đủ sức răn đe đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. Để bảo vệ CTTL, các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố đã gắn trách nhiệm cá nhân, tập thể đến từng công trình cụ thể, đồng thời phối hợp các cấp chính quyền trong giải quyết vi phạm.

Tuy vậy, do sự thiếu trách nhiệm, né tránh, ngại va chạm của một bộ phận không nhỏ cán bộ chính quyền cơ sở dẫn đến kết quả xử lý vi phạm đạt thấp. Nhiều vụ việc, sau khi phát hiện vi phạm, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố đã tuyên truyền, vận động đối tượng tự giác tháo dỡ, đồng thời lập biên bản, tạm thời đình chỉ vi phạm và chuyển chính quyền địa phương xử lý theo thẩm quyền, đáng tiếc vi phạm đâu vẫn hoàn đó. Thậm chí, nhiều địa phương còn đẩy trách nhiệm này về phía doanh nghiệp thủy lợi. Ngoài ra, trong quá trình giải quyết, cán bộ, công nhân viên các doanh nghiệp thủy lợi bị các đối tượng vi phạm đe dọa, chống đối quyết liệt.

Đề cập hướng giải quyết, ông Trần Nam Thắng, thanh tra viên, Phòng Thanh tra 7, Thanh tra thành phố cho rằng, dứt khoát phải quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm. Còn bà Đinh Thị Na, Phó Chánh Thanh tra Sở Tư pháp đề xuất phân loại rõ từng vụ việc vi phạm để xử lý. Trong khi đó, theo ông Đặng Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, khó có thể xử lý ngay vi phạm tồn đọng trong một sớm một chiều mà cần xây dựng lộ trình cho nhiệm vụ này. Về phía doanh nghiệp, ông Doãn Văn Kính, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Đáy đề nghị, trước mắt tập trung giải tỏa dứt điểm vi phạm mới phát sinh, nhất là vi phạm gây cản trở dòng chảy, lấn chiếm lòng sông, lòng kênh. Kiên quyết ngăn chặn không để tái vi phạm sau giải tỏa, đồng thời có phương án xử lý dứt điểm vi phạm tồn đọng…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xử lý vi phạm công trình thủy lợi: Thiếu quyết liệt, hậu quả lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.