(HNM) - Tình trạng cứ mưa là ngập đang xảy ra tại nhiều khu vực, đặc biệt ở các khu đô thị phía Tây Nam Hà Nội. Bất cập trong đầu tư, xây dựng, kết nối hệ thống thoát nước được xác định là nguyên nhân chính, song việc giải bài toán này vẫn đang rơi vào thế khó…
Khu đô thị Geleximco - Lê Trọng Tấn cứ mưa to là ngập. Ảnh: Tú Anh |
Biệt thự "be bờ" chống ngập!
Trận mưa lớn kéo dài cuối tháng 7 vừa qua đã khiến “làng biệt thự triệu đô" với hàng loạt dãy nhà liền kề, biệt thự thuộc Khu đô thị Lê Trọng Tấn - Geleximco (trên địa bàn huyện Hoài Đức và quận Hà Đông) bị ngập nặng. Đường phố biến thành sông.
Anh Nguyễn Duy Tuấn, cư dân sống tại khu A - Khu đô thị Lê Trọng Tấn - Geleximco - chia sẻ: “Nước ngập tràn qua vỉa hè, chảy vào gara, làm ô tô của một số gia đình hỏng nặng. Nhiều hộ, đồ đạc, nhất là thiết bị điện gần như phải thay lại toàn bộ. Năm nào ở đây cũng ngập vài lần, nên cứ nghe dự báo có mưa, có bão, cư dân lại nơm nớp...”.
Thậm chí sau đợt đó, lo sợ ảnh hưởng của cơn bão số 4 giữa tháng 8, Ban quản lý Khu đô thị Lê Trọng Tấn - Geleximco đã hỏa tốc thông báo đề nghị các hộ dân đưa toàn bộ tài sản, vật dụng từ tầng hầm lên các tầng cao để tránh hư hỏng. Đồng thời, đề nghị cư dân chuẩn bị máy bơm, máy phát điện, file chắn nước tầng hầm (nếu có) để bơm nước và xử lý kịp thời trong trường hợp nước tràn vào hầm... Ngoài ra, Ban quản lý còn chuẩn bị 6 máy bơm và hàng trăm bao cát phát miễn phí cho các hộ dân có tầng hầm để chủ động "be bờ" ngăn nước tràn vào nhà.
Thực tế, không riêng gì “làng biệt thự triệu đô" Lê Trọng Tấn - Geleximco, tình trạng úng ngập do mưa, bão, nhất là sau cơn bão số 3 vừa qua, cũng xảy ra tại nhiều đoạn đường, khu vực dân cư, khu đô thị ở phía Tây Nam Hà Nội như: Thăng Long Victory, Nam và Bắc An Khánh, các hầm chui dân sinh đoạn qua Thiên đường Bảo Sơn, An Khánh (ven đại lộ Thăng Long), Vinaconex3, Dương Nội, An Hưng (ven đường Lê Văn Lương kéo dài)...
Hạ tầng thiếu đồng bộ
Theo quy định, các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở phải được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình nhà ở và các công trình kiến trúc khác. Song không ít chủ đầu tư chỉ quan tâm xây dựng nhà ở để bán, lơ là việc xây dựng kết cấu hạ tầng.
Ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho rằng: "Khi phê duyệt dự án, cơ quan có thẩm quyền đã xem xét các phương án đấu nối hạ tầng. Để được phê duyệt, phải có thỏa thuận đấu nối cấp thoát nước, điện, viễn thông". Tuy nhiên, đầu năm nay khi đi kiểm tra các khu đô thị trên địa bàn quận Hà Đông, đặc biệt các khu đô thị từng bị ngập nặng năm ngoái, Công ty đã phát hiện một số khu đô thị chưa đấu nối hệ thống thoát nước vào hệ thống chung của thành phố, trong khi đây là trách nhiệm của chủ đầu tư.
Liên quan đến úng ngập tại các khu đô thị phía Tây Nam Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) lý giải: Các khu vực đô thị mới xảy ra tình trạng úng ngập cục bộ khi có mưa lớn là do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, trong khi hệ thống hạ tầng thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch được phê duyệt.
Hiện, hệ thống thoát nước Hà Nội mới được đầu tư hoàn chỉnh khu vực nội thành thuộc các sông: Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu; có thể giải quyết tình trạng úng ngập cho những trận mưa có cường độ 300mm/2ngày. Còn các khu vực khác chưa được đầu tư như: Khu vực Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ, Long Biên, quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, một phần Bắc Từ Liêm.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, tại các khu đô thị này, lâu nay hướng thoát nước chủ yếu thoát ra các tuyến mương tiêu. Song, hiện trạng các tuyến mương này không bảo đảm yêu cầu thoát nước do không được duy trì nạo vét thường xuyên. Mặt khác, tại thời điểm ngập, mực nước sông Nhuệ dâng cao do mưa lũ dồn về khiến khả năng thoát nước tự chảy không thể thông suốt.
Nhằm giải quyết tình trạng úng ngập tại các hầm chui trên tuyến đại lộ Thăng Long, mới đây Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản báo cáo, đề xuất UBND thành phố và được chấp thuận phương án: Giao Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội nghiên cứu, rà soát, đề xuất lắp đặt các trạm bơm tạm với công suất phù hợp để chủ động phòng chống ngập lụt, bảo đảm an toàn giao thông.
Đối với các khu đô thị phía Tây Nam Hà Nội, trước mắt chưa có giải pháp thoát nước triệt để. Do đó, các chủ đầu tư cần chủ động tăng cường bơm hút cưỡng bức để hạn chế tình trạng úng ngập. Về lâu dài, các cụm công trình thoát nước đầu mối như Yên Nghĩa (trạm bơm 120m3/s và cải tạo hệ thống kênh mương), Liên Mạc (giai đoạn 1 trạm bơm 70m3/s) được đầu tư, hoàn thiện theo quy hoạch, mực nước sông Nhuệ được kiểm soát theo thiết kế mới có thể giải quyết triệt để tình trạng úng ngập khu vực Hữu Nhuệ và quận Hà Đông.
Để tránh tình trạng chủ đầu tư lơ là trách nhiệm, theo GS.TS.KTS Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, thời gian tới, ngay từ bước lập, phê duyệt dự án, các ngành chức năng cần có chế tài bắt buộc các chủ đầu tư dự án nhà ở phải có đủ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và đặc biệt, cần có quy chế quản lý rõ ràng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.