Nhiều điểm tập kết, điểm trung chuyển rác thải ở ngoại thành Hà Nội đang tồn đọng hàng nghìn tấn rác thải sinh hoạt.
Theo quy định, khối lượng rác này phải được vận chuyển đi xử lý, nhưng vì nhiều nguyên nhân, các đơn vị vệ sinh môi trường đã để rác ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Vậy, đâu là giải pháp để xử lý tình trạng này?
Ùn ứ hàng nghìn tấn rác
Còn hơn 1 tháng nữa, nhiều gói thầu dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2023 hết hợp đồng. Theo quy định, các công ty vệ sinh môi trường phải vận chuyển hết lượng rác tồn đọng trên địa bàn quản lý để triển khai gói thầu mới từ ngày 1-1-2024. Thế nhưng, khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại điểm tập kết rác thải xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) cho thấy, “núi” rác thải kéo dài 200-300m bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng Nguyễn Hữu Trường thông tin, trung bình mỗi ngày, người dân trong xã phát sinh 10-12 tấn rác thải sinh hoạt và hàng tấn chất thải làng nghề. Trong khi đó, đơn vị vệ sinh môi trường là Hợp tác xã Thành Công chỉ vận chuyển đi xử lý được 70% khối lượng rác, còn lại lưu cữu tại điểm tập kết nhiều năm nay khoảng 2.500 tấn rác.
Trưởng phòng Dịch vụ công trình (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất) Nguyễn Khả Bảo cho biết, theo hồ sơ đấu thầu, trong năm 2023, liên danh Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai và Hợp tác xã Thành Công phải vận chuyển đi xử lý 151,7 tấn rác thải/ngày. Thế nhưng, khối lượng rác thực tế 2 đơn vị này vận chuyển đi xử lý chỉ được 115 tấn/ngày, đạt 76% kế hoạch giao. Số lượng rác thải còn lại hơn 7.000 tấn tồn đọng tại các điểm tập kết.
Tương tự, tại các huyện: Quốc Oai, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa cũng tồn đọng hàng nghìn tấn rác thải sinh hoạt. Điểm tập kết rác của thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai) tồn đọng gần 2.000 tấn, xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) 400 tấn; xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai) 500 tấn...
Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý chất thải rắn (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Nguyễn Văn Quý cho hay, nguyên nhân của tình trạng này là do Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (huyện Ba Vì - thị xã Sơn Tây) dừng hoạt động từ tháng 2-2023 đến nay, khiến rác rải sinh hoạt của các quận, huyện, thị xã phía Nam và phía Tây thành phố phải phân luồng lên bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) để xử lý. Quãng đường vận chuyển xa gấp nhiều lần và năng lực vận chuyển của các đơn vị vệ sinh môi trường hạn chế khiến rác tồn đọng tại các địa phương.
Hơn nữa, việc thu phí dịch vụ vệ sinh môi trường còn thấp, chưa hợp lý. Nhiều gói thầu có khối lượng đăng ký công việc thấp hơn khối lượng thực tế, dẫn đến phát sinh khối lượng và kinh phí phải chi trả. Việc phối hợp giữa đơn vị duy trì vệ sinh môi trường với chính quyền các xã để thu phí dịch vụ chưa tốt, dẫn đến mất cân đối nguồn kinh phí. Số lượng điểm tập kết rác thải tại các xã còn thiếu, nhiều điểm xuống cấp.
“Dù bất kỳ nguyên nhân nào, thì việc để tồn đọng hàng nghìn tấn rác thải ở các điểm tập kết là không thể chấp nhận được. Bởi, các doanh nghiệp vệ sinh môi trường và các địa phương phải xây dựng phương án dự phòng để giải quyết tình huống phát sinh từ thực tiễn”, ông Nguyễn Văn Quý khẳng định.
Hoàn thành vận chuyển rác thải trước ngày 31-12
Để giải quyết lượng rác tồn đọng trên địa bàn, UBND huyện Thạch Thất đã yêu cầu Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai và Hợp tác xã Thành Công tăng chuyến vận chuyển 200-220 tấn rác/ngày, trong đó 151 tấn rác phát sinh hằng ngày và 50-70 tấn rác tồn đọng. Giám đốc Hợp tác xã Thành Công Phạm Công Lộc cho biết, đơn vị đang ưu tiên vận chuyển ở những xã có điểm tập kết rác gần khu dân cư. Riêng xã Hữu Bằng do điểm tập kết ở xa khu dân cư, nên rác bị ùn ứ nhiều, đơn vị đang xây dựng phương án vận chuyển hết lượng rác tồn đọng tại điểm tập kết này.
Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn thông tin, huyện đã có văn bản đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tăng khối lượng tiếp nhận rác tồn đọng của địa phương về khu xử lý rác thải tập trung của thành phố. Huyện cũng kiến nghị các sở, ngành giải quyết dứt điểm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án mở rộng Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn để bãi rác sớm hoạt động trở lại…
Một số huyện đề xuất thành phố sớm điều chỉnh, bổ sung, ban hành quy trình công nghệ, định mức, đơn giá dịch vụ vệ sinh môi trường mới. Trong đó, ban hành giá nhiên liệu, vật tư, vật liệu, tiền lương cho phù hợp với thực tế; sớm xây dựng, đưa vào vận hành các khu xử lý, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt để công tác thu gom, vận chuyển rác thải phát sinh được kịp thời, hạn chế tối đa, không để tồn đọng rác thải sinh hoạt qua ngày, gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường.
Để siết chặt công tác thu gom rác thải, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát công tác duy trì vệ sinh các đơn vị dịch vụ môi trường. Đặc biệt, tại các quận, huyện còn tồn đọng khối lượng rác thải lớn cần rà soát, xác định rõ vị trí, rõ khối lượng để xây dựng phương án vận chuyển về các khu xử lý rác tập trung của thành phố. Đến ngày 31-12, phải hoàn thành công tác vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển hết lượng rác thải tồn đọng trên địa bàn thành phố để triển khai các gói thầu mới trong giai đoạn 2024-2026 đạt hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.