Thời gian qua, TP Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD), qua đó đóng góp trở lại vào ngân sách nhà nước (NSNN).
Song, bên cạnh những DN chấp hành tốt pháp luật thuế, vẫn còn không ít đơn vị nợ đọng thuế lớn, kéo dài, ảnh hưởng tới quản lý ngân sách trên địa bàn thành phố. Trong những tháng cuối năm, cùng với việc cải cách thủ tục hành chính thuế, hỗ trợ DN mở rộng SXKD, Cục Thuế TP Hà Nội sẽ thực hiện nhiều biện pháp cứng rắn nhằm thu đúng, thu đủ tiền thuế.
| ||
Hướng dẫn người dân làm thủ tục nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Bắc Từ Liêm (Cục Thuế Hà Nội). Ảnh: nhật nam |
Hưởng ưu đãi vẫn nợ thuế kéo dài
Với chức năng quản lý hoạt động thu ngân sách nội địa trên địa bàn, Cục Thuế TP Hà Nội luôn ý thức và đánh giá cao sự đóng góp của cộng đồng DN. Mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, song nhiều DN đã nỗ lực tìm ra hướng đi đúng, không ngừng mở rộng SXKD và đóng góp tích cực vào NSNN. Những DN này hằng năm đều được ngành thuế ghi nhận và tôn vinh, qua đó góp phần biểu dương ý thức chấp hành pháp luật thuế của cộng đồng DN.
Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế TP Hà Nội): Tính đến ngày 31-5, trên địa bàn Hà Nội vẫn còn 23 DN nợ đọng hơn 1.200 tỷ đồng tiền thuế. Đứng "đầu bảng" danh sách nợ đọng lớn tiền thuế thu nhập DN và giá trị gia tăng là Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long, với số nợ đọng thuế lên tới hơn 375,2 tỷ đồng. Tiếp đó là Công ty cổ phần Viglacera Hà Nội nợ đọng hơn 88 tỷ đồng, Công ty cổ phần Cavico Xây dựng cầu hầm nợ đọng hơn 80,4 tỷ đồng; Công ty cổ phần Sông Đà 9.06 nợ hơn 68 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn Điện tử Công nghiệp Việt Nam nợ hơn 65,4 tỷ đồng... |
Để hỗ trợ cộng đồng DN vượt qua khó khăn, Cục Thuế TP Hà Nội đã kịp thời triển khai những giải pháp nhằm gia hạn nợ, xóa nợ thuế theo đúng các chính sách hiện hành. Đơn vị cũng tích cực phối hợp với cấp, ngành liên quan tham mưu cho UBND thành phố ban hành cơ chế tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN trong việc phát triển SXKD, từ đó gia tăng thu nhập và có nguồn tài chính để thực hiện nghĩa vụ thuế. Cục Thuế TP Hà Nội cũng đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung các chính sách theo hướng minh bạch, thông thoáng, phù hợp với pháp luật hiện hành... Những giải pháp do ngành thuế Hà Nội thực hiện đã góp phần giúp cộng đồng DN đẩy mạnh lưu thông, xuất khẩu hàng hóa, góp phần giúp kinh tế Thủ đô khôi phục đà tăng trưởng.
Song, bên cạnh những DN chấp hành tốt pháp luật thuế, đóng góp tích cực vào NSNN với số nộp ngân sách tăng cao qua từng năm, không ít DN, dự án chưa chấp hành nghiêm pháp luật thuế, có số nợ đọng thuế lớn và kéo dài. Thậm chí, một số DN có biểu hiện chây ì, không thực hiện nghĩa vụ với NSNN. Đặc biệt, có 15 dự án trên địa bàn thành phố, mặc dù đã được gia hạn tiền sử dụng đất theo các chính sách ưu đãi của Chính phủ, nhưng đến hạn lại không nộp trả vào ngân sách theo quy định. Để thu đúng, thu đủ tiền thuế, Cục Thuế TP Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Tính đến ngày 30-6, số thu tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án đạt 3.274 tỷ đồng (bằng 71,2% dự toán), trong đó thu nợ được 1.163 tỷ đồng tiền sử dụng đất của 55 dự án.
Sẽ áp dụng những biện pháp cứng rắn
Để xử lý số nợ thuế tồn đọng kéo dài, trong những tháng cuối năm, ngành thuế Hà Nội sẽ áp dụng những biện pháp cứng rắn - đại diện Cục Thuế TP Hà Nội cho biết. Theo đó, bên cạnh việc tạo cơ chế, chính sách để DN có nguồn vốn phát triển SXKD, qua đó tăng thu nhập và có nguồn tài chính để nộp tiền nợ thuế, Cục Thuế sẽ phân loại tình hình nợ thuế; phân tích nguyên nhân nợ thuế của từng đối tượng. Từ kết quả phân tích nợ, đơn vị sẽ đưa ra những giải pháp đôn đốc thu hồi hiệu quả với từng nhóm nợ thuế. Những đơn vị có biểu hiện chây ì, cố tình nợ đọng thuế kéo dài, Cục Thuế TP Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí công khai danh tính. Cùng với đó là việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thích hợp theo quy trình, đúng luật định.
Đối với các dự án còn nợ tiền sử dụng đất, Cục Thuế đã chỉ đạo các Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã tìm hiểu nguyên nhân nợ, tình hình thực hiện dự án, tình hình SXKD, tài chính... để có biện pháp phù hợp. Bên cạnh việc trực tiếp làm việc với chủ đầu tư, yêu cầu báo cáo và cam kết tiến độ nộp, ngành thuế và chính quyền địa phương sẽ thực hiện các biện pháp đôn đốc thu, cưỡng chế thuế theo quy định. Trường hợp chủ đầu tư dự án đã thu tiền bán nhà nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai nộp thuế, cơ quan thuế sẽ xác định hành vi vi phạm và phối hợp với Công an TP Hà Nội điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.