(HNM) - Thành ủy Hà Nội vừa có Thông báo số 906-TB/TU, nêu kết luận Hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III-2022. Trong đó, Thành ủy yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất; xử lý nghiêm những vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, nhất là tại các nhà chung cư, cơ sở kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội:
Người dân là trung tâm, là chủ thể
Công an thành phố Hà Nội luôn xác định rõ nhiệm vụ, quan điểm người dân là trung tâm, là chủ thể trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Hiện Công an thành phố xây dựng, duy trì 86 mô hình an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến cấp xã, khu dân cư, tổ dân phố. Theo đó, từng người dân đã phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, thực hiện các phong trào “Mở lối thoát hiểm, thoát nạn thứ 2”, “Tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy”, “Điểm chữa cháy công cộng”. Công an thành phố cũng tập trung chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thực hiện quyết liệt, hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm:
Triển khai hiệu quả mô hình an toàn phòng cháy, chữa cháy
Trước thiệt hại của các vụ cháy, nổ xảy ra tại các địa phương thời gian qua cho thấy công tác phòng cháy, chữa cháy cần đổi mới tư duy để bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng cho người dân. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát chặt chẽ để xử lý nghiêm hành vi vi phạm, không để cơ sở hoạt động khi không đủ điều kiện theo quy định. Quận Hoàng Mai chỉ đạo các địa phương bảo đảm tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và các hoạt động sản xuất, kinh doanh có điều kiện. Tiếp tục thực hiện mục tiêu 100% nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đều có lối thoát nạn thứ 2 và mỗi khu dân cư, tổ dân phố đều xây dựng, triển khai có hiệu quả mô hình an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thường Tín Phan Thanh Tùng:
Chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ”
Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn là nhiệm vụ rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Do đó, huyện Thường Tín luôn quán triệt và tuyên truyền đến các cấp, ngành và người dân chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong phòng cháy chữa cháy (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ), lấy phòng ngừa là chính, qua đó giảm thiểu đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ. Huyện cũng đẩy mạnh quản lý ngành nghề, cơ sở kinh doanh có điều kiện, có nguy cơ cháy, nổ cao theo hướng an toàn, bền vững. Tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất để xử lý kịp thời và nghiêm minh những vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.
Ông Đặng Xuân Giang, chung cư Dolphine Plaza, số 28 phố Trần Bình, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm:
Xử lý dứt điểm vi phạm phòng cháy, chữa cháy tại chung cư
Chung cư Dolphin Plaza do Công ty cổ phần TID làm chủ đầu tư được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2012, nhưng đã 10 năm trôi qua, những sai phạm của chủ đầu tư trong công tác phòng cháy, chữa cháy vẫn chưa được xử lý dứt điểm dù đã được cơ quan chức năng kết luận rõ ràng. Quá trình xây dựng, chủ đầu tư thay đổi vị trí phòng sinh hoạt cộng đồng từ tầng 4 xuống phòng họp thuộc tầng cây xanh; thay đổi vị trí nhà trẻ, mẫu giáo từ tầng 4 xuống tầng 2, khác hoàn toàn so với hồ sơ thiết kế được phê duyệt. Trong đó, rất nhiều hạng mục vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy không thể khắc phục, song chủ đầu tư vẫn báo cáo đã được nghiệm thu. Tình trạng này cũng diễn ra tại nhiều khu chung cư hiện nay.
Chúng tôi rất đồng tình với chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội về tăng cường phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm phòng cháy, chữa cháy tại các khu chung cư, bởi đây là nơi tập trung đông cư dân, nếu tình huống xấu xảy ra, hậu quả sẽ rất lớn.
Bà Nguyễn Quỳnh Mai, phố Nguyễn Cao, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng:
Phải khắc phục triệt để lỗi vi phạm
Thời gian qua có rất nhiều vụ cháy, nổ xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Dù những quy định pháp luật về lĩnh vực này rất đầy đủ, chi tiết, nhưng tình trạng vi phạm vẫn xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là do sự yếu kém, lỏng lẻo trong công tác quản lý của một số chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đối với chủ cơ sở kinh doanh, dịch vụ… Do vậy, tất cả những tồn tại, vi phạm về phòng, chống cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ phải được kiến nghị và buộc khắc phục triệt để, tuyệt đối không được bỏ qua lỗi vi phạm hoặc chuyển lỗi nặng thành nhẹ. Khi phát hiện vi phạm cần tạm đình chỉ hoạt động, yêu cầu khắc phục ngay. Chỉ có như vậy mới bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.