Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý nghiêm vi phạm về bảo hiểm xã hội

Minh Ngọc| 24/03/2022 06:17

(HNM) - Nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND (ngày 3-3-2022) yêu cầu các cơ quan liên quan khắc phục hạn chế, khuyết điểm về số nợ bảo hiểm xã hội tăng cao.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về nội dung này, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết, cùng với công tác tuyên truyền, đối thoại, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Buổi sinh hoạt chuyên đề “Giải pháp khắc phục nợ đóng bảo hiểm xã hội năm 2022” do Đảng ủy Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội tổ chức.

- Ông có thể cho biết rõ hơn về tình trạng nợ bảo hiểm xã hội hiện nay?

- Thời gian gần đây, mặc dù ngành Bảo hiểm xã hội phối hợp với các ngành, địa phương nỗ lực đôn đốc thu, song tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội có dấu hiệu tăng. Tính đến cuối năm 2021, toàn thành phố còn 48.146 đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội của 521.696 lao động. Tổng số tiền nợ là hơn 3.858 tỷ đồng, tăng hơn 494,5 tỷ đồng so với năm 2020. Cần lưu ý, số tiền nợ phải tính lãi là hơn 1.607 tỷ đồng, tăng 300,8 tỷ đồng so với năm trước đó.

Đến ngày 23-2-2022, số nợ bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố là hơn 4.746 tỷ đồng, tăng gần 327 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, số tiền nợ phải tính lãi là hơn 1.522 tỷ đồng...

- Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng nợ bảo hiểm xã hội có dấu hiệu tăng?

- Tôi cho rằng, nguyên nhân khách quan khiến tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội tăng là do dịch Covid-19 làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến nhiều doanh nghiệp chưa cân đối được nguồn tiền để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Mặt khác, một số đơn vị, doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm quy định, cố tình nợ đóng, trốn đóng hoặc đóng bảo hiểm xã hội không đúng mức quy định...

Điều này làm ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều phía. Với người sử dụng lao động, khi quan tâm, bảo đảm các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, họ sẽ có được lực lượng lao động yên tâm gắn bó lâu dài. Còn với người lao động, nếu không may làm việc trong các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, họ bị ảnh hưởng đến những quyền lợi chính đáng, nhất là khi không may bị ốm đau, tai nạn, mắc các bệnh nghề nghiệp...

- Thời gian tới, các cơ quan chức năng triển khai những giải pháp gì để khắc phục tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội, thưa ông?

- Giải pháp xuyên suốt là các bên liên quan tập trung tuyên truyền, đối thoại với người lao động và doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Đối với các đơn vị, doanh nghiệp mới thành lập, tạm dừng hoạt động hoặc đã dừng hoạt động, phía cơ quan thuế sẽ theo sát, nắm tình hình để kịp thời cung cấp thông tin đến cơ quan bảo hiểm xã hội, làm căn cứ triển khai các biện pháp đôn đốc thu.

Giải pháp quan trọng khác là tiếp tục tiến hành kiểm tra, thanh tra liên ngành và chuyên ngành đột xuất về việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, kết hợp với vận động, thuyết phục các đơn vị, doanh nghiệp chủ động khắc phục tình trạng nợ bảo hiểm xã hội. Quá trình thanh tra, kiểm tra tập trung vào những đơn vị có dấu hiệu vi phạm.

Theo hướng này, năm 2021, các cơ quan chức năng đã tiến hành gần 4.000 cuộc kiểm tra, thanh tra, qua đó khắc phục nợ đóng bảo hiểm xã hội với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Năm 2022, theo chỉ đạo của UBND thành phố tại Kế hoạch số 71/KH-UBND, số lượng các cuộc kiểm tra, thanh tra sẽ tăng lên.

Căn cứ vào kết quả thanh tra, kiểm tra, các bên tập hợp hồ sơ, tài liệu của những đơn vị, doanh nghiệp vi phạm pháp luật; nếu có dấu hiệu phạm pháp hình sự về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì chuyển cơ quan công an điều tra, xử lý theo quy định. Đặc biệt, các ngành, địa phương không để những đơn vị, doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp bảo hiểm xã hội tham gia đấu thầu, đầu tư các dự án...

- Với trách nhiệm thực hiện chính sách, ông có thể cho biết, ngành Bảo hiểm xã hội chủ động khắc phục tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội ra sao?

- Trước hết, ngành phân tích số đơn vị nợ, số tiền nợ, nguyên nhân nợ để áp dụng các biện pháp thu hồi nợ phù hợp với từng nhóm nợ.

Nhằm quán triệt tinh thần đôn đốc thu, giảm nợ đóng đến đông đảo cán bộ, nhân viên, mới đây, Đảng ủy Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề với chủ đề “Giải pháp khắc phục nợ đóng bảo hiểm xã hội năm 2022”. Cùng với đó, ngành chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai hiệu quả Kế hoạch số 71/KH-UBND để khắc phục hạn chế, khuyết điểm về tình trạng số nợ bảo hiểm xã hội tăng cao đến các đơn vị liên quan...

Thông qua nhiều giải pháp cụ thể, linh hoạt, với sự tham gia của nhiều ngành, nhiều phía, tôi tin, đến cuối năm 2022, tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội phải tính lãi ở Hà Nội sẽ giảm còn 2,5% (giảm 0,53%) so với cuối năm trước.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nghiêm vi phạm về bảo hiểm xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.