(HNM) - Năm 2014, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội cơ bản ổn định. Góp phần vào thành công chung ấy, Chi cục Thú y Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh...
Thành phố Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao (khoảng 60%). Hiện tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch có chiều hướng tinh vi, phức tạp, khó kiểm soát, không những làm mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi của thành phố, mà còn gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát. Với phương châm chỉ đạo là phát hiện dịch bệnh kịp thời, khoanh vùng khống chế không để dịch lây lan rộng, không phải áp dụng biện pháp công bố dịch, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, Chi cục Thú y đã tập trung kiện toàn Ban thú y xã, phường, thị trấn, cán bộ thú y phường. Đơn vị cũng chỉ đạo Trạm Thú y các huyện, thị xã giám sát dịch bệnh đến tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi, kịp thời phát hiện và khoanh vùng khống chế không để lây lan ra diện rộng. Sau các đợt tiêm phòng đại trà, Chi cục đã triển khai lấy 6.800 mẫu huyết thanh gia cầm, 1.500 mẫu huyết thanh lợn, 270 mẫu huyết thanh trâu bò để kiểm tra hiệu giá kháng thể. Chính vì vậy, năm 2014, mặc dù tình hình dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn cả nước diễn biến khá phức tạp, nhưng trên địa bàn Hà Nội không xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tai xanh ở lợn, lở mồm long móng ở đàn gia súc, gia cầm. Đối với các bệnh truyền nhiễm thông thường, tỷ lệ ốm chết thấp.
Phun thuốc phòng dịch tại chốt kiểm dịch động vật số 3. Ảnh: Bá Hoạt |
Ngoài việc giám sát lâm sàng, Chi cục Thú y Hà Nội còn chủ động phối hợp với các chương trình, dự án, Cục Thú y, Viện Thú y thực hiện giám sát sự lưu hành của virus, đặc biệt là với virus cúm gia cầm để dự báo sớm dịch bệnh, cung cấp các thông tin chính xác trong việc định hướng sử dụng vắcxin, chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch có hiệu quả.
Đặc biệt, trong năm 2014, Chi cục Thú y đã tổ chức 8 đợt vệ sinh tiêu độc đại trà và vệ sinh tiêu độc khử trùng ở những nơi có nguy cơ cao. Ngoài ra, tất cả các quận, huyện, thị xã, trạm thú y còn tổ chức kiểm tra, xử lý 1.205 trường hợp vi phạm, tiêu hủy 5 con lợn, l.945kg gia cầm và 26.929 con gia cầm lông, 2.602kg sản phẩm động vật các loại và 13.320kg sản phẩm động vật khác, 2.274 quả trứng và 163 đơn vị thuốc thú y các loại với các lỗi vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vệ sinh thú y; sản phẩm động vật kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, giết mổ động vật không đúng quy định… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn còn gặp một số khó khăn: Năng lực quản lý nhà nước của cơ sở còn hạn chế, chưa tranh thủ được sự chỉ đạo, đầu tư của chính quyền địa phương. Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin toàn thành phố đạt yêu cầu nhưng không đồng đều giữa các huyện, xã, thị trấn; việc quản lý kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y còn hạn chế, nhất là các khu vực ngoại thành, nơi có nhiều hộ giết mổ trong khu dân cư; vẫn còn hộ kinh doanh, buôn bán sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch; hiện tượng bán gà lông ở nội thành vẫn chưa xử lý dứt điểm…
Năm 2015, Chi cục Thú y Hà Nội tăng cường kiểm tra công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y tại các lò mổ, các cơ sở bảo quản, chế biến, kinh doanh trên địa bàn thành phố, nhằm thắt chặt công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm; tuyên truyền, tập huấn các kiến thức về chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong giết mổ, sơ chế, kinh doanh sản phẩm động vật. Thành phố sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về kinh doanh, giết mổ gia cầm lông tại các chợ nội thành...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.