(HNMO) - Nhiều năm qua, tại khu vực bãi sông Đáy (xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội), chủ đầu tư Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay đã xây dựng nhiều công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, xây kè lấn chiếm hành lang thoát lũ sông Đáy...
Mới đây, tại phiên chất vấn của Thường trực HĐND thành phố về thực hiên các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố, sự việc được đại biểu HĐND thành phố quan tâm, chất vấn, đề nghị làm rõ việc xử lý sai phạm của chính quyền cơ sở. Về sự việc này, UBND huyện Phúc Thọ cho biết, đã và đang vào cuộc xử lý dứt điểm vi phạm.
Nhiều vi phạm trên đất nông nghiệp
Nói về nguồn gốc của Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay, theo Chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận Nguyễn Xuân Tâm, khu đất Tân Bồi, xã Hiệp Thuận nằm bên bờ hữu sông Đáy, có độ dốc nghiêng không đồng đều, vùng đất trũng, pha cát, thường xuyên ngập úng, sạt lở vào mùa mưa, sản xuất nông nghiệp khó khăn nên nhiều hộ dân bỏ hoang.
Trước tình trạng trên, xã Hiệp Thuận đã nghiên cứu và đề xuất lập dự án chuyển đổi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhằm thu hút doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào sản xuất để phát triển kinh tế. Năm 2009, UBND xã Hiệp Thuận xây dựng quy hoạch chi tiết dự án hoa cây cảnh khu đất Tân Bồi, xã Hiệp Thuận với diện tích 9.400m2 trình UBND huyện. Ngày 1-9-2009, UBND huyện Phúc Thọ đã ban hành Quyết định số 1813/QĐ-UBND về việc Phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án trồng hoa cây cảnh khu đất tân bồi xã Hiệp Thuận diện tích 9.400m2.
Theo quyết định, dự án cho bà Đỗ Thanh Bình thuê đất thời hạn 50 năm (kể từ ngày 15-12-2009) để trồng hoa và cây cảnh. Từ năm 2009 đến 2017, bà Bình thực hiện trồng hoa, cây cảnh và xây dựng một số hạng mục công trình trên đất dự án theo quyết định phê duyệt của huyện. Năm 2017, bà Bình mất, dự án được thừa kế cho chồng là ông Đặng Vũ Đỗ. Đến năm 2019, ông Đặng Vũ Đỗ đã ký giấy ủy quyền cho ông Nguyễn Đức Minh làm việc và giao dịch với các cơ quan hữu quan, các đối tác nhằm tiếp tục xây dựng và triển khai dự án.
Ngoài diện tích 9.400m2 trong dự án được huyện Phúc Thọ giao, chủ đầu tư đã tự thỏa thuận thuê thêm 14.500m2 đất nông nghiệp của các hộ dân bên cạnh để mở rộng diện tích trồng hoa, nâng tổng diện tích thực hiện dự án lên 27.400m2 (đất quỹ 1 thuê của 55 hộ dân là 14.500m2 và đất thủy lợi chuyên dùng khoảng 3.500m2). Từ năm 2019, khi nhận ủy quyền, Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoa Bay do ông Nguyễn Đức Minh là người đại diện đã đặt tên dự án là Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay, trồng hoa, cây ăn quả và tiếp tục xây dựng một số công trình để đón khách tham quan trải nghiệm du lịch nông nghiệp, sinh thái.
Quá trình kiểm tra của UBND huyện Phúc Thọ cho thấy, công trình trên đất dự án (9.400m2), gồm: 1 nhà 2 tầng khung dầm, sàn bê tông diện tích khoảng 200m2; 3 công trình khung cột kèo, xà gồ ghép, mái lợp cọ xung quanh bưng tôn và tre nứa, diện tích mỗi công trình khoảng 18m2; hệ thống đường bê tông rộng khoảng 3m, dài 80m; sân xếp gạch không nung diện tích 846m2, phần còn lại là trồng hoa, cây cảnh. Các hạng mục công trình lắp dựng bảo đảm theo quy hoạch được phê duyệt tại Quyết định số 1813/QĐ-UBND.
Tuy nhiên, có một số hạng mục công trình xây dựng trên đất nông nghiệp thuê thầu của hộ dân và đất thủy lợi, đất bãi sông không đúng theo dự án được duyệt. Đặc biệt là dãy công trình bằng khung thép, mái tôn, xung quanh quây bằng ván gỗ diện tích khoảng 600m2, kè gia cố bờ sông bằng gạch, bể bơi khoảng 200m2 đều nằm trong hành lang thoát lũ sông Đáy… Việc làm trên theo xác định của UBND huyện Phúc Thọ là vi phạm. Từ năm 2020, huyện đã có nhiều văn bản yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Không bao che cho sai phạm
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết: Năm 2021 và 2022, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, huyện tập trung quyết liệt cho công tác phòng, chống dịch và Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay cũng ngừng hoạt động nên huyện chưa xử lý được.
Theo UBND huyện Phúc Thọ, từ ngày 12-4-2023, huyện đã giao các phòng, ban chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục kiểm tra, xác định các vi phạm và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện tháo dỡ toàn bộ các hạng mục công trình trên đất thủy lợi, hành lang sông, hoàn thành trước ngày 20-5-2023 và dừng hoạt động kinh doanh trên diện tích đất vi phạm, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép mới được tiếp tục triển khai dự án.
Cụ thể, đối với diện tích nằm trong dự án được duyệt: UBND huyện yêu cầu chủ đầu tư giữ nguyên hiện trạng các hạng mục công trình hiện có, đồng thời, UBND xã Hiệp Thuận, các phòng, ngành quản lý chặt chẽ, không để phát sinh các hạng mục xây dựng. Đối với phần đất ngoài dự án, UBND huyện yêu cầu Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoa Bay tự giác tháo dỡ các lều lán để nông sản và khu chụp ảnh lưu niệm. Trong trường hợp chủ dự án không tự giác thực hiện, huyện sẽ tiến hành cưỡng chế hoặc xem xét việc thu hồi quyết định phê duyệt dự án.
Theo quan sát và ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, sáng 15-5-2023, chủ Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay đã treo biển dừng đón khách và tiếp tục tháo dỡ cổng vào, các nhà tạm ở khu vực bãi sông… Trước đó, tháng 3-2023, Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoa Bay cũng đã dọn sạch mặt bằng, trả lại đất thuê cho 21 hộ dân có tranh chấp. Hiện các hộ dân đã sản xuất nông nghiệp bình thường.
Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch là hướng đi được Đảng, Nhà nước khuyến khích. Mô hình này cũng đã khẳng định hiệu quả cao so với việc chỉ sản xuất nông nghiệp thông thường. Tuy nhiên, để thực hiện được, các chủ mô hình đang gặp rất nhiều rào cản về cơ chế, chính sách, đặc biệt là việc xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ đón khách. Việc này rất cần cơ quan chức năng có cơ chế, chính sách hỗ trợ và hướng dẫn người dân triển khai thực hiện dự án, vừa bảo đảm phát triển kinh tế vừa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.