Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý nghiêm người nuôi chó thả rông!

Hằng - Dung| 13/04/2019 07:33

(HNM) - Gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng xảy ra không ít vụ chó cắn chết người. Nguyên nhân chính là do việc thực hiện các quy định về quản lý vật nuôi theo Luật Thú y, nhất là việc phòng, chống bệnh dại trên đàn chó, mèo ở một số địa phương đang bị buông lỏng.

Việc thực hiện quy định về quản lý vật nuôi ở một số địa phương đang bị buông lỏng.Ảnh: Biển Ngọc


Trong khi đó nhiều người dân không chấp hành các quy định như xích, nhốt, giữ chó trong khuôn viên gia đình; đeo rọ mõm, có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng... Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc hoạt động này cần được siết chặt; phải xử lý nghiêm người nuôi chó thả rông.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội:
Kiên quyết xử lý chủ nuôi chó, mèo thả rông

Những năm gần đây, mặc dù các biện pháp nhằm khống chế, loại trừ bệnh dại đã được các tỉnh, thành phố triển khai, song số ca tử vong do bệnh dại ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng chưa có dấu hiệu giảm. Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm Hà Nội đều có vài trường hợp tử vong do chó dại cắn và trên 10.000 người phải điều trị dự phòng dại do động vật cắn hoặc tiếp xúc với động vật nghi mắc dại (trong đó 87% số người bị chó cắn). Thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại (giai đoạn 2017-2021), Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 6-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thực hiện, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn.

Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã đã thống kê, rà soát, lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn; tiêm phòng triệt để cho đàn chó, mèo trong diện phải tiêm; quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông... Tuy nhiên, việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực chăn nuôi thú y chưa được cấp ủy, chính quyền cơ sở quan tâm nên vẫn xảy ra tình trạng chó thả rông cắn người. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thành lập đội săn bắt chó và đồng loạt ra quân xử phạt chủ nuôi thả rông chó, mèo ra đường; thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai, thực hiện kế hoạch và công tác phòng chống bệnh dại trên toàn địa bàn.

Ông Nguyễn Xuân Thịnh, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa:
Tuyên truyền sâu rộng các quy định về phòng, chống bệnh dại

Mấy ngày gần đây, đi đến đâu tôi cũng thấy người dân bàn tán về những trường hợp tử vong do bị chó cắn. Nguyên nhân chính gây nên những cái chết thương tâm trên đều do các gia đình nuôi chó chưa thực hiện nghiêm các quy định về nuôi nhốt và tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho chó. Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31-7-2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y nêu rõ: Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với hành vi không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Quy định là vậy, nhưng tôi thấy tại nhiều vùng quê ngoại thành Hà Nội, người dân vẫn vô tư thả rông chó, phớt lờ các quy định phải đeo rọ mõm và có người dắt chó khi ra đường. Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền cấp cơ sở phải xử lý nghiêm các hộ nuôi chó không chấp hành quy định về tiêm phòng vắc xin dại cho chó nuôi; tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại.

Anh Đỗ Quyết Thắng, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm:
Nhiều mối nguy từ việc thả rông chó

Hiện nay nhiều gia đình có xu hướng nuôi các giống chó to, chó dữ ngoại nhập, nhưng không có biện pháp quản lý, nuôi nhốt đúng quy định. Đi trên đường phố Hà Nội, hay các khu vực công viên, vui chơi công cộng… tôi thường xuyên bắt gặp cảnh những con chó thả rông không rọ mõm. Thậm chí, người dân thường xuyên thấy cảnh 4-5 con chó to đuổi, cắn nhau ngay trên đường, gây cản trở giao thông, nguy hiểm cho người đi đường. Không những thế, chó thả rông còn thường xuyên phóng uế, gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Theo tôi, cùng với việc tuyên truyền, vận động người nuôi chó, mèo chấp hành nghiêm các quy định về việc nuôi nhốt, tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo, thành phố cần sớm tổ chức các đợt truy quét, bắt giữ và phạt nặng các hộ thả rông chó ngoài đường.

Chị Hoàng Thu Huyền, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân:

Tăng mức xử phạt để ngăn ngừa hậu quả

Những năm gần đây, Hà Nội rất quan tâm tới công tác quản lý, phòng, chống bệnh dại cho đàn chó, mèo, song do chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong xử lý tình trạng chó thả rông. Không ít địa phương kêu khó xử lý chó thả rông với lý do lực lượng cán bộ cơ sở ít, phải kiêm nhiệm, hay các hộ dân nuôi chó tranh thủ thả chó ra đường ra lúc sáng sớm và chiều muộn, nên việc xử lý gặp khó khăn... Tôi được biết, chế tài xử phạt người nuôi chó, mèo vi phạm các quy định về chăn nuôi thú y đã có từ lâu nhưng trên thực tế, vẫn xảy ra những cái chết thương tâm. Điều đó chứng tỏ người nuôi chó, mèo vẫn xem thường quy định hiện hành, việc thực thi pháp luật tại cơ sở chưa nghiêm. Đề nghị cơ quan chức năng cần hành động quyết liệt để ngăn ngừa những hậu quả đáng tiếc; tăng mức xử phạt đối với chủ nuôi để chó cắn chết người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nghiêm người nuôi chó thả rông!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.