(HNMO) - Tổng cục Quản lý thị trường vừa báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về tình hình phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên phạm vi cả nước.
Tính đến ngày 14-3, cả nước có 17 tỉnh, thành phố xuất hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi; nhiều địa phương xuất hiện thêm ổ dịch mới.
Nhằm ngăn chặn, phòng chống và kiểm soát bệnh dịch, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra tại đầu mối giao thông, các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn, chú trọng các địa bàn đông dân cư, các khu công nghiệp nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm thịt lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Đồng thời, phối hợp với Cục Quản lý thị trường và lực lượng chức năng các tỉnh có đường biên giới, đặc biệt là Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên và Quảng Ninh..., giám sát chặt chẽ tại khu vực giáp cửa khẩu, đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn việc vận chuyển thịt lợn, các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc vào tiêu thụ tại Việt Nam.
Tại Hà Nội, lực lượng quản lý thị trường đã tham gia 5/5 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tại các đầu mối giao thông gồm: Chốt cầu Phủ Lỗ, chốt Dốc Vân, chốt cầu vượt Nam Hồng, chốt cầu Thăng Long, chốt Trung Giã và chốt chặn tại xã Thụy Lâm, cửa khẩu phường Lĩnh Nam. Lực lượng chức năng đã phát hiện 1.260 kg nội tạng động vật đựng trong 21 thùng xốp không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu bốc mùi hôi thối và đang phối hợp với các ngành chức năng để xử lý theo quy định. Đồng thời, đơn vị đã cử công chức tham gia các đoàn liên ngành của thành phố, thành lập 2 đoàn kiểm tra, kiểm soát phòng chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Để đẩy mạnh phòng, chống bệnh dịch, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục chỉ đạo, huy động toàn lực lượng tham gia công tác phòng chống bệnh dịch tại địa bàn các huyện, thành phố, các chốt kiểm dịch; kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm; vận dụng các chế tài, biện pháp xử lý mạnh để bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa vi phạm. Đồng thời, xử lý tiêu hủy toàn bộ lợn, sản phẩm lợn được vận chuyển, kinh doanh trái phép, không rõ nguồn gốc và nghi vấn đến từ nguồn dịch; khuyến cáo người dân khi phát hiện các vụ việc kinh doanh, vận chuyển, giết mổ lợn mắc bệnh thì báo ngay với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để kiểm tra, ngăn chặn kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.