(HNM) - Trên địa bàn hai phường Phú Đô và Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), có 11 trạm trộn bê tông không phép.
Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, tại khu đồng Rộc Khoai rộng hàng nghìn mét vuông thuộc thôn Thượng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (trước là xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm), đang là nơi "đóng đô" của nhiều trạm bê tông hoạt động không phép. Ngoài ra, một số doanh nghiệp, cá nhân còn tự ý san lấp và xây dựng trạm trộn bê tông trên đất nông nghiệp với diện tích lớn tại xứ đồng Cống Chéo, Dộc Bộ, Đằng Khoai ở phường Mễ Trì. Nằm cách không xa "thủ phủ" trạm trộn bê tông không phép của phường Mễ Trì là trạm trộn bê tông của Công ty CP XD&ĐT thương mại Việt Hàn (Công ty Việt Hàn), hoạt động tấp nập. Có mặt tại khu vực trước cổng trạm trộn bê tông này vào chiều 12-5, chúng tôi chứng kiến trên khu đất khá rộng, Công ty Việt Hàn cho xây dựng trạm trộn bê tông kiên cố cùng với nhiều nhà xưởng cũng như các công trình phụ trợ được xây dựng bao quanh. Hàng chục ô tô chuyên dụng chở bê tông cỡ lớn xếp hàng dài ngay phía cổng vào. Người dân trên địa bàn phường Mễ Trì và phường Phú Đô cho biết, các tuyến đường dẫn vào kho, bãi của các trạm trộn lúc nào cũng phủ một màu trắng bởi bụi bẩn từ những chiếc xe bồn chở bê tông ra vào khu vực này thải ra hằng ngày.
Một trong những trạm trộn bê tông ngổn ngang vật liệu. |
Được biết, ngày 25-10-2012, UBND xã Mễ Trì (nay là UBND phường Mễ Trì) đã lập biên bản vi phạm hành chính công trình vi phạm trật tự xây dựng đối với 11 trạm trộn bê tông trên địa bàn. Tiếp đó, ngày 27-3-2013, UBND huyện Từ Liêm đã ban hành văn bản số 269/UBND-TTXD, chỉ đạo UBND xã Mễ Trì khẩn trương hoàn thiện hồ sơ pháp lý, xây dựng kế hoạch tổ chức cưỡng chế, phá dỡ các công trình thuộc trạm trộn bê tông có chiều cao dưới 5m. Đối với các công trình vi phạm có chiều cao trên 5m, UBND xã Mễ Trì mời đơn vị tư vấn có đủ tư cách pháp nhân xây dựng phương án phá dỡ theo đúng trình tự thủ tục pháp luật quy định…". Vào thời điểm đó, UBND huyện Từ Liêm đã rất quyết liệt khi yêu cầu UBND xã Mễ Trì phải cưỡng chế các trạm trộn bê tông hoạt động "chui". Sau đó, với sự tham gia của chính quyền xã Mễ Trì, thanh tra xây dựng huyện Từ Liêm, cùng các ngành chức năng đồng loạt ra quân xử lý triệt để các công trình của trạm trộn bê tông trong ngày 26-4-2013. Thế nhưng, sau hơn một năm, nhiều công trình vẫn ngang nhiên tồn tại như chưa hề có chuyện gì xảy ra?!
Mới đây nhất, ngày 28-4-2014, UBND quận Nam Từ Liêm đã ban hành văn bản số 120/UBND-TN&MT, về việc xử lý các trạm trộn bê tông vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn phường Mễ Trì. Theo đó, UBND quận giao cho UBND phường Mễ Trì kiểm tra, lập danh sách xác minh rõ tên, địa chỉ, số tài khoản tại ngân hàng của các chủ đầu tư vi phạm để thực hiện việc khấu trừ chi phí tổ chức cưỡng chế qua các tài khoản ngân hàng; đồng thời mời đơn vị tư vấn có đủ tư cách pháp nhân xây dựng phương án phá dỡ các hạng mục công trình vi phạm (các trạm trộn bê tông) có chiều cao trên 5m; lập dự toán chi phí tháo dỡ cụ thể từng hạng mục công trình và xây dựng kế hoạch tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, xong trước ngày 30-5-2014.
Thiết nghĩ, việc để một số doanh nghiệp, cá nhân ngang nhiên xây dựng trạm trộn bê tông trên địa bàn phường Mễ Trì và phường Phú Đô hoạt động không có giấy phép, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị, cho thấy công tác quản lý của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của huyện Từ Liêm (cũ) và quận Nam Từ Liêm còn rất lỏng lẻo. Trên thực tế, UBND huyện Từ Liêm (cũ) và xã Mễ Trì cùng các cơ quan chức năng đã xử lý 11 trạm trộn bê tông của các doanh nghiệp, cá nhân từ tháng 4-2013, nhưng do xử lý thiếu kiên quyết cũng như công tác kiểm tra lỏng lẻo đã dẫn đến tình trạng các trạm trộn bê tông vẫn ngang nhiên hoạt động. Lần này, UBND quận Nam Từ Liêm đã ban hành văn bản số 120/UBND-TN&MT về việc xử lý các trạm trộn bê tông vi phạm trên địa bàn phường Mễ Trì, liệu có lặp lại tình trạng "đánh trống bỏ dùi" như cách đây hơn một năm?
Năm 2014 đã được TP Hà Nội xác định là "năm trật tự và văn minh đô thị", không có lý gì hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, mất mỹ quan đô thị... lại ngang nhiên tồn tại như vậy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.