(HNM) - Năm 2011, cả nước xảy ra 504 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) chết người. Thế nhưng, Bộ LĐ-TB&XH chỉ nhận được biên bản điều tra của 97 vụ, trong đó chỉ có 2 trường hợp người sử dụng lao động bị đề nghị truy tố trước pháp luật. Thực trạng điều tra và xử lý hời hợt của các cơ quan chức năng đã góp phần không nhỏ khiến TNLĐ gia tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Trong những năm gần đây, công tác quản lý trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và các hoạt động nhằm giảm thiểu TNLĐ đã được tăng cường. Tuy nhiên, số vụ TNLĐ, số người bị TNLĐ vẫn có xu hướng gia tăng. Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, năm 2010 cả nước có 5.125 vụ TNLĐ làm 5.307 người bị nạn, năm 2011 số vụ TNLĐ tăng lên là 5.896 vụ làm 6.154 người bị nạn. Trên thực tế, số vụ TNLĐ còn cao hơn so với số liệu thống kê do tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo về TNLĐ rất thấp, chỉ chiếm khoảng 4,4%.
Người lao động cần được trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ. Ảnh: Thái Hiền |
Ngày 9-3-2012, vụ nổ lò luyện thép ở Công ty cổ phần Gang thép Hàn Việt nằm trong Khu công nghiệp Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội làm 8 người chết và bị thương. Công ty đã không báo cáo với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Hai ngày sau vụ nổ, cơ quan chức năng mới nắm được tình hình và bước đầu xác định, trong quá trình loại bỏ phế liệu, Công ty cổ phần Gang thép Hàn Việt đã bỏ qua các vật liệu gây nổ, gây ra hậu quả nghiêm trọng trên. Lý giải về hành vi bưng bít thông tin, lãnh đạo công ty viện lý do bận tập trung lo hậu sự cho 2 công nhân tử vong nên đã "quên" báo cáo... Gần đây nhất, vào chiều 19-4, trong lúc 2 thanh niên đang sửa chữa thang máy tại tòa nhà của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, 31 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm thì thang máy bất ngờ đứt dây cáp khiến cả 2 rơi xuống đất, tử nạn. Gần một tuần sau, phóng viên Báo Hànộimới điện thoại cho ông Bạch Quốc Việt, Trưởng phòng An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội. Ông Việt cho biết, vẫn chưa nhận được báo cáo về vụ tai nạn của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội.
Nguyên nhân của các vụ TNLĐ xuất phát từ hai phía (người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ), trong đó lỗi do người sử dụng lao động chiếm đến 73% với những vi phạm về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy phạm an toàn; không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; chưa huấn luyện an toàn cho NLĐ; không cung cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ; thiết bị không bảo đảm an toàn lao động hoặc không có thiết bị an toàn... Để xảy ra TNLĐ lỗi là ở người sử dụng lao động và NLĐ nhưng không thể không kể đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc xử lý hậu quả các vụ TNLĐ.
Theo Bộ LĐ-TB&XH thì trong số 504 vụ TNLĐ chết người xảy ra trong năm 2011, chỉ có 2 trường hợp người sử dụng lao động bị đề nghị truy tố trước pháp luật, đó là vụ sạt lở đá ở mỏ đá Lèn Cờ, xã Nam Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An làm 18 người bị đá đè chết và 6 người bị thương và vụ cháy tại xưởng may tư nhân của Bùi Thị Hiên ở thôn Đại Hoàng 2, xã Tân Dân, huyện An Lão, Hải Phòng làm 13 công nhân thiệt mạng, 25 người bị thương nặng... Tại sao số vụ TNLĐ chết người nhiều như vậy mà số người sử dụng lao động bị truy tố lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi ai cũng biết trong những vụ TNLĐ chết người, lỗi phần nhiều do sự vô trách nhiệm của doanh nghiệp. Trách nhiệm của các đoàn thanh tra ở đâu trong việc đưa ra các hình thức xử lý để răn đe doanh nghiệp?
Các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ thừa nhận công tác phòng, chống TNLĐ vẫn chưa được coi trọng, việc kiểm tra, xử lý an toàn lao động còn quá lỏng lẻo, hời hợt. Mỗi năm, cấp thành phố chỉ kiểm tra tối đa chưa đến 100 đơn vị, trong khi địa phương có đến hàng chục nghìn doanh nghiệp, hàng trăm ngàn cơ sở sản xuất. Những cuộc thanh tra, kiểm tra vốn đã ít ỏi lại chủ yếu diễn ra vào "Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ", lại được thông báo cho doanh nghiệp trước cả tháng trời.
Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo các sở LĐ-TB&XH địa phương tăng cường công tác thanh tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về an toàn vệ sinh lao động ở các doanh nghiệp. Đây là việc làm đúng đắn và cần thiết, tuy nhiên các đoàn thanh tra cần làm việc hết mình, kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm luật pháp lao động. Có như vậy, văn hóa an toàn lao động mới được xem trọng, TNLĐ mới có thể được giảm tối đa.
Năm 2011, chi phí do TNLĐ (chi phí thuốc men, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và người bị thương...) là 298 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản là 5,85 tỷ đồng. Tổng số ngày nghỉ do TNLĐ là 661.374 ngày. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.