(HNM) - Xác định giảm đơn, thư tồn đọng đồng nghĩa với giảm nguy cơ gây bất ổn xã hội, cuối tháng 6-2012, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan lên kế hoạch rà soát 528 vụ việc khiếu kiện kéo dài trên phạm vi cả nước.
Hướng giải quyết là công khai xác định rõ trách nhiệm địa phương, đồng thời cần cả sự vào cuộc của các cơ quan TƯ, đổi mới một số cơ chế chính sách để từ nay đến tháng 10 phối hợp xử lý dứt điểm ít nhất 70% số vụ việc nổi cộm.
Bảy tỉnh, TP nằm trong vùng trọng điểm
Theo báo cáo tổng hợp của 63 tỉnh, TP trực thuộc TƯ, đến nay con số các vụ việc khiếu nại trọng điểm, phức tạp, kéo dài đã lớn hơn 528 vụ (số liệu tổng kết báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 2-5-2012). Hiện có bảy tỉnh đã xử lý hết các vụ việc tồn đọng gồm: Tuyên Quang, Điện Biên, Cao Bằng, Quảng Trị, Phú Yên, Bình Định, Nghệ An. Trong khi đó, Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng lại đề nghị bổ sung thêm các vụ việc. TTCP đã tạm hoãn các cuộc thanh tra chưa cần thiết, thành lập 9 tổ công tác; về phía các bộ, ngành liên quan: Bộ LĐ,TB&XH có 3 tổ công tác, Bộ XD cử 1 đội phản ứng nhanh, Bộ TN&MT điều 2 mũi nhọn về địa phương xem xét, giải quyết.
Thực hiện các dự án trọng điểm luôn gặp khó khăn trong công tác GPMB và là nguyên nhân chính của nhiều đơn, thư khiếu kiện.
Đánh giá bước đầu cho thấy, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Tiền Giang, Tây Nguyên được khoanh vùng là khu vực trọng điểm về khiếu nại tố cáo tồn đọng, bức xúc, kéo dài. Bộ TN&MT nhận định, do việc lưu giữ tư liệu địa chính chưa tốt nên việc bồi thường, xác định nguồn gốc đất nông, lâm trường đang gặp khó khăn ở nhiều nơi. Một số vụ việc đã có quyết định giải quyết cuối cùng nhưng việc tổ chức thi hành không nghiêm, thiếu kiểm tra đôn đốc nên dẫn tới phát sinh khiếu kiện mới phức tạp hơn. Hiện khiếu nại về đất đai chủ yếu nảy sinh ở cấp huyện nhưng Chủ tịch UBND huyện lại chưa bỏ nhiều thời gian, công sức giải quyết, dẫn đến tình trạng dân đi khiếu kiện hết nơi này đến nơi khác, một nội dung đơn mà gửi đi rất nhiều cơ quan, khi chưa được xử lý lại tiếp tục tái khiếu kiện. Theo quy định hiện hành, nếu không đồng ý với kết quả xử lý của chính quyền địa phương, người dân có thể gửi đơn để Tòa án thụ lý. Nhưng vì mất niềm tin và thiếu hiểu biết pháp luật, đa số công dân có tâm lý ngại khởi kiện ra tòa mà gửi thẳng lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vì cho rằng Tòa án do Chủ tịch UBND các cấp chỉ đạo, điều hành. Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển, đối với phần việc này, TTCP và Bộ TN&MT không làm thay địa phương mà chỉ đôn đốc, giám sát.
Nắm rõ từng vụ việc để có hướng giải quyết hiệu quả
Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh khẳng định, kết quả tổng hợp, rà soát cho thấy, không ít vụ việc, nhiều tỉnh, TP chưa xử lý hết thẩm quyền hoặc sai trình tự, quan điểm vênh nhau nhưng vẫn đề nghị TƯ xử lý. Ngay báo cáo từ các địa phương gửi về TTCP cũng không đầy đủ các vụ việc. Đặc biệt có nơi còn giấu bớt hồ sơ, tài liệu gây khó khăn cho công tác xem xét mở rộng. Theo báo cáo ban đầu thì miền Bắc còn 46 vụ việc; miền Trung (riêng 3 tỉnh Thanh Hóa, Quảng Nam và Bình Định) có 24 vụ việc; miền Nam có 205 vụ việc. Qua rà soát của các tổ công tác thấy sự chênh lệch giữa các con số báo cáo và số vụ việc thực tế khá lớn. Bởi có nơi vẫn còn nặng thành tích, nhiều vụ việc đã có quyết định xử lý đến lần 2 mà người dân chưa chấp nhận, tiếp tục khiếu kiện nhưng vẫn không đưa vào danh sách để TTCP theo dõi. Điển hình miền Nam hiện có khoảng 200 vụ việc chưa được cấp nào giải quyết; có hơn 300 vụ việc mới được giải quyết lần đầu và có 227 vụ việc đã giải quyết lần 2 nhưng dân không đồng tình vẫn tiếp tục khiếu kiện.
Do đó, để không bỏ sót trường hợp nào, TTCP sẽ lên danh sách, lập hồ sơ 100% đơn kiện, tiến trình giải quyết của cơ quan chức năng để nắm rõ thực chất vấn đề. Đối với những vụ việc Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh đã giải quyết lần 2 nhưng dân không đồng tình, Bộ TN&MT, TTCP sẽ trực tiếp vào cuộc chỉ đạo xử lý. Những vụ việc khác, liên quan đến bộ, ngành nào thì mời các bộ, ngành đó cùng TTCP thực hiện. Riêng những vụ việc ở Hà Nội, sẽ thành lập đoàn thanh tra liên ngành do Phó Tổng TTCP Nguyễn Văn Thanh làm Trưởng đoàn, Phó Tổng TTCP Thường trực Lê Tiến Hào là cố vấn. Hằng tháng, TTCP sẽ chủ trì giao ban với Bộ TN&MT, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ để đánh giá việc triển khai kế hoạch rà soát. Dứt khoát vào tháng 10 tới phải báo cáo Quốc hội 528 khiếu nại tồn đọng, trong đó phấn đấu giải quyết 70% số vụ việc nổi cộm.
Tuy nhiên, ngoài chuyện phối hợp đồng bộ giải quyết khiếu nại tố cáo, một công việc không kém phần quan trọng hiện nay là phải hoàn thiện thể chế. Theo đánh giá của Chính phủ, mức giá đất ở tại các đô thị lớn vẫn thấp hơn nhiều, chỉ bằng khoảng 30 - 60% so với mức giá đất ở tương ứng về vị trí trên thị trường. Do luật không "ép" nên hiện mới chỉ có 6/63 địa phương thuê tổ chức tư vấn giá đất làm dịch vụ xây dựng bảng giá đất. Trong khi đó, văn bản về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để phục vụ lợi ích quốc gia còn thiếu tính thời sự, các quy định về trách nhiệm giải trình của người đứng đầu thiếu và yếu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.