Cuộc vận động (CVĐ)
Lễ trao giấy đăng ký kết hôn tại phường Yết Kiêu, quận Hà Đông. Ảnh: Lê Tuấn |
Cách đây vài năm, đám cưới ở Hà Đông thường kéo dài 3 - 4 ngày với mấy trăm mâm cỗ. Chị Nguyễn Thị Minh Hảo (khối 9, phường Nguyễn Trãi) nhớ lại: Năm 2002, tổ chức đám cưới cho cậu con trai cả, thôi thì, không hơn thì cũng phải "bằng thiên hạ". Tính sơ sơ, họ hàng, láng giềng đã hơn 100 mâm. Hai vợ chồng chị đều quen biết rộng nên bạn bè, khách mời rất nhiều, tổ chức ăn uống linh đình từ đám hỏi đến đám cưới… liên tục 4 ngày liền. Sau đám cưới, chị Hảo sụt mất mấy cân vì mệt, số tiền tổ chức cũng "lạm" hơn mấy chục triệu đồng. Cuối năm 2010, cậu con trai thứ hai cũng "đòi" mẹ tổ chức đám cưới sang trọng ở khách sạn. Khi ấy, CVĐ "Thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn hóa" ở Hà Đông đã thực hiện được hơn 1 năm. Rút kinh nghiệm từ lần trước, gia đình chị Hảo quyết định tổ chức đám cưới bằng tiệc trà với bánh ngọt, hoa quả, ít lon bia đãi khách. Chị Hảo cho biết, khi khuyên con trai tổ chức cưới tiệc trà, cậu phản ứng gay gắt vì sĩ diện với bạn bè, nhà gái... "Tôi phân tích thiệt hơn cho con hiểu rằng không phải mẹ tiếc của mà không tổ chức linh đình. Làm tiệc trà đơn giản mà vẫn sang trọng. Với lại, tổ chức dềnh dàng vừa mệt, vừa tốn kém, bạn bè có phải ai cũng giàu có, lương cao để đi ăn cỗ cưới liên tục trong mùa cưới đâu". Do nhiều người tác động, cậu con cũng xuôi. Đám cưới được tổ chức vào cuối tuần, "trọn gói" cả đám hỏi và đám cưới trong một ngày. Tiền chi cho đám cưới chỉ bằng 1/5 so với đám của anh cả mà lại sang trọng, vui vẻ.
Để đám cưới tổ chức bằng tiệc trà chị Nguyễn Thị Thịnh (phường Phú Lãm) đã phải vận động "hai cụ" khá lâu. Bố mẹ chị không đồng ý, bởi gia đình, họ hàng đông đúc, con cháu đầy đàn, chỉ có ngày vui mới quần tụ về đây mà biết mặt nhau, rồi còn trả nợ "sòng phẳng" cho thiên hạ. Chị cùng các bạn đoàn viên nữ lân la, gần gũi mẹ để tỉ tê, tâm sự… "Mưa dầm thấm lâu", con gái lại làm Phó bí thư Đoàn phường nên bà mẹ cũng đứng ra khuyên nhủ chồng, còn khâu tổ chức bà cho chị Thịnh tự "định đoạt". Đoàn phường thuê phông bạt, bàn ghế, loa đài, mua bánh kẹo, rượu vang… vừa kết hợp ăn hỏi, cưới và trao giấy đăng ký kết hôn trong một ngày với tổng số tiền… 3 triệu đồng. Phó chủ tịch phụ trách văn xã phường Phú Lãm, nguyên Bí thư Đoàn phường Nguyễn Đắc Võ cho biết, Đoàn phường đã tổ chức đám cưới tiệc trà cho 5 ĐVTN. Một số bạn sắp cưới cũng tự nguyện đăng ký tổ chức cưới tiệc trà. "Người dân đã tổ chức mâm cỗ gọn nhẹ, không khoa trương, giảm bớt gánh nặng chi phí. Điều này rất quan trọng với các đôi vợ chồng trẻ, các gia đình có kinh tế còn khó khăn. Tuy nhiên, một thực tế là đám cưới của thanh niên, nhưng quyết định lại ở phía gia đình. Nhiều người vẫn nặng nề tập quán cũ là phải tổ chức thật linh đình, mời thật nhiều họ hàng, bạn bè... gây khó khăn trong quá trình vận động" - Phó chủ tịch Nguyễn Đắc Võ cho biết.
Chương trình 06-CT/QU do Quận ủy Hà Đông thực hiện từ năm 2009 đến nay đã được cán bộ, người dân trong quận tích cực hưởng ứng. Trong 2 năm qua, quận Hà Đông đã có 4.877 đám cưới, trong đó có 3.357 đám cưới thực hiện tốt Chương trình 06-CT/QU của Quận ủy, chiếm 68,8%. Trong đó, năm 2009, toàn quận có 1.198/1.971 đám cưới thực hiện cưới văn minh, đến hết năm 2010, có 2.159/2.906 đám cưới tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, tăng 13,5% so với năm 2009. Nhiều đám cưới dự tính mời 50-60 mâm, nhưng sau khi được vận động, đã giảm xuống còn 40 mâm như ở tổ dân phố số 6 phường Nguyễn Trãi, Văn Quán, Hà Cầu, Phú Lãm… 100% cán bộ, công chức, viên chức quận không đi ăn cỗ cưới vào giờ hành chính, đám cưới không sử dụng xe công; tình trạng cờ bạc trong đám cưới giảm khoảng 70% so với trước năm 2009. Quận đã kiên quyết xử phạt 20 cán bộ đảng viên vi phạm.
Đề án “Thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn hóa” đưa ra 8 tiêu chí về việc cưới: + Tổ chức các nghi lễ như chạm ngõ, ăn hỏi trang trọng, phù hợp điều kiện kinh tế. + Tổ chức gọn ở một nơi, trong một ngày, không mời khách tràn lan. + Thực hiện tiết kiệm, mỗi đám cưới không quá 40 mâm. + Bắc rạp không dài quá 15m. + Không mở loa đài công suất lớn trước 5h và sau 22h. + Không tổ chức đánh bạc dưới mọi hình thức, không mời thuốc lá, rượu bia. + Khuyến khích tổ chức tiệc trà, cưới tập thể, tổ chức cưới tại cơ quan văn hóa, cô dâu mặc áo dài dân tộc. + Cán bộ, đảng viên, công chức không sử dụng xe công đi ăn cưới, phục vụ đám cưới, không đi ăn cỗ trong giờ hành chính. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.