Góc nhìn

Xu hướng không thể đi ngược

Gia Khánh 10/11/2023 - 06:07

Mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin, vẫn còn ngân hàng thương mại có mức lãi suất cho vay bình quân cao hơn 9%/năm.

Trước đó, cuối tháng 10-2023, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức hội nghị với 35 ngân hàng thương mại lớn, chỉ rõ những ngân hàng còn lãi suất cao, chênh lệch đầu vào - đầu ra trên mức bình thường để tìm biện pháp giảm lãi suất.

Theo thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay, trong bối cảnh nền kinh tế cần được ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, lạm phát, tỷ giá được kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành, với mức giảm từ 0,5% đến 2%/năm.

Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở thời điểm tháng 8-2023 chỉ giảm 1% so với cuối năm 2022.

Thực tế, 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, với vai trò chủ lực, đã giảm rất nhanh mức lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Điển hình như Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang có mức lãi suất cho vay trung bình của tất cả các khoản vay (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, khoản vay cũ trước đây cũng như khoản vay mới) chỉ ở mức 5,94%, thấp nhất thị trường. Song cũng còn ngân hàng có mức vay cao, từ 9%/năm trở lên. Lý do là những ngân hàng này còn một số khoản vay trước đây huy động lãi suất cao nên mức lãi vay vẫn neo cao do độ trễ chính sách và để bảo đảm hài hòa phương án tài chính.

Vì vậy, với những ngân hàng hiện còn mức lãi suất cho vay cao, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải tìm mọi cách để giảm lãi suất, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và thông điệp của Ngân hàng Nhà nước.

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2023, diễn ra ngày 4-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh một trong 6 giải pháp nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn để mở rộng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khơi thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo việc làm và sinh kế cho người dân, là tăng khả năng tiếp cận tín dụng, thực sự đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế. Đi đôi với đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình kinh tế thế giới, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước, nhất là lạm phát, tỷ giá… để có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, sẵn sàng giảm tiếp lãi suất điều hành khi có đủ điều kiện.

Các ngân hàng thương mại tiếp tục tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ, tiết giảm lợi nhuận để tìm cách giảm lãi suất cho vay, nhất là với những khoản vay cũ. Khách hàng gặp khó khăn, ngân hàng không thể cho vay, tín dụng không tăng trưởng, nợ xấu gia tăng. Ngược lại, doanh nghiệp phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh, ngân hàng thu hồi nợ cũ, cho vay mới, tăng lợi nhuận.

Tất nhiên, đi cùng với chính sách giảm lãi suất vốn vay, các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh thông qua tháo gỡ thể chế, pháp lý, mở rộng thị trường cho các mặt hàng thế mạnh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong tiếp cận đất đai… Khi có thêm những chính sách khơi thông, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế tăng, góp phần thúc đẩy tín dụng ngân hàng.

Trong bối cảnh hiện nay, giảm lãi suất, đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp là xu hướng tất yếu mà các ngân hàng không thể đi ngược lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng không thể đi ngược

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.