(HNMCT) - Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim dáng vẻ hiền lành, tiếng nói rủ rỉ, ít được chú ý trong một đám đông. Thơ ông cũng không gây hấn bởi ý tứ, không thu hút bởi câu chữ chơi trội lạ lùng. Vậy mà có một dòng thơ Nguyễn Thanh Kim nhẹ nhàng, thấu cảm, thấm sâu hồn Kinh Bắc, đã xoãi đôi cánh không mỏi bay sang tận trời Âu.
Tập thơ “Thế giới của những giấc mơ” của tác giả Nguyễn Thanh Kim đã được dịch sang tiếng Romania bởi nhà thơ Andrea H. Hedes, được NXB NEUMA ấn hành tháng 9-2021. Trước đó, tập thơ đã được nhà thơ Võ Thị Như Mai chuyển ngữ sang tiếng Anh. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Thanh Kim về niềm vui thơ xuất ngoại lần đầu tiên trong đời viết của ông.
- Thưa nhà thơ, khi giới thiệu tập thơ “Thế giới của những giấc mơ” tới bạn đọc Romania nói riêng và châu Âu nói chung giữa mùa dịch, ông muốn gửi tới bạn đọc quốc tế thông điệp gì từ Việt Nam?
- Nếu nói đến thông điệp thì e chừng to tát quá, thực ra tôi chỉ muốn nói lên lòng biết ơn của tôi đối với đất nước quê hương mà tôi yêu mến, gắn bó, và chia sẻ với bạn đọc Romania nói riêng và bạn đọc quốc tế nói chung những xúc cảm đó qua thi ca. Các bài thơ trong tập thơ này được tôi chọn từ Tập thơ Nguyễn Thanh Kim (NXB Hội Nhà văn, 2020) mà tôi viết rải rác hơn bốn thập niên vừa qua. Các bài thơ viết trong khoảng thời gian đó có một nét chung nhất và nổi bật tác động đến đời sống tâm hồn tôi những vang vọng thời cuộc của đất nước Việt Nam và sắc thái văn hóa.
Trong quá trình hình thành “Thế giới của những giấc mơ”, điều tôi tâm đắc nhất về lao động thơ là “Đừng biến những hình ảnh, những ngữ ngôn thành rừng rậm, thành mê lộ, người đọc vào chẳng có lối ra. Hãy mở rộng lòng hiếu khách của anh mời bạn đọc vào Ngôi nhà Thơ sáng sủa, thoáng đãng để anh có thể tâm tình cởi mở, một thứ tâm tình không áp đặt, một thứ tâm tình đầy sự cảm thông.
- Nguồn cảm hứng nào khiến ông tập hợp lại tập thơ ấy và quyết định đưa ra chào bạn đọc quốc tế?
- Biết bao ý tưởng và thi ảnh, thi liệu chuyển hóa trong tôi làm nên thế giới kỳ diệu ấy. Một đêm thức ở đình Diềm cùng nhà thơ Hoàng Cầm, một lần xem triển lãm tranh phố cổ Hà Nội của họa sĩ Bùi Xuân Phái, một ngày hành hương lên Yên Tử vào cữ xuân muộn, một đêm nghe canh quan họ ở làng quê Bắc Ninh, thức cùng ngàn thông Đà Lạt một buổi mai thanh thản... cùng những nỗi niềm trước biển: “Nhớ lặng thầm khuôn mặt em rạng rỡ/ Với biển muôn đời khát vọng ở xa kia...”, cùng người mẹ mưa nắng một đời tảo tần, lặn lội, lận đận nuôi con khôn lớn: “Bao nhiêu tóc trắng mẹ tôi/ Đầu sông cuối chợ một thời đạn bom”, cùng rung động: “Khúc buồn xin thả mây trời/ Khúc vui lựa nhịp cho người mình yêu”... Tất cả sự lặng thầm, chuyển nhịp ấy hòa vào đời sống tâm trạng tôi mà kết đọng thành “Thế giới của những giấc mơ” để gửi đến bạn đọc xa gần thân mến.
Trong thời đại hội nhập toàn cầu này, tôi muốn mở rộng cánh cửa thơ để đón gió bốn phương, để cùng chia sẻ với các bạn tâm sự về một đất nước yêu thương, nhân ái, một đất nước tươi đẹp về thiên nhiên và giàu bản sắc văn hóa đã truyền cho tôi ước vọng đi lên, ước vọng làm người: “Thăm thẳm đường đời và giông bão/ Cho ta khao khát một vòm xanh”.
- Ông có cho rằng sáng tác thơ là một loại lao động cực nhọc và không ít đau khổ?
- Theo thiển nghĩ của tôi, hành trình thơ ca là hành trình vô tận trong không gian, thời gian, nào ai biết được trạm nghỉ, nào ai biết được dốc đèo. Thơ trung thực với khuôn mặt tái xanh, với sự lặng lẽ đến quên mình dưới ngọn đèn mờ tỏ, không biện minh, không dối lừa, tự giải thoát mình trong muôn nỗi âu lo thế sự. Sữa đang đóng thành hạt trong bông lúa, cây đang chuyển nhựa thành hoa, mật đang ngưng theo mùa. Ai biết được cái cần mẫn thơ anh như phù sa bồi đắp đôi bờ, nhưng anh tự biết chính cái lặng lẽ làm cho đời anh trở nên hữu ích, cái hữu ích âm thầm...
Thơ không chấp nhận sự nửa vời. Sự lựa chọn dấn thân bao giờ cũng đòi hỏi ở lòng dũng cảm. Cái sức mê nghệ thuật, cái ảo ảnh chói lóa bao giờ cũng cuốn hút cuộc chơi, nhưng nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng không tuân theo thông lệ, có thể anh mất cả đời sống vì thời gian không quay trở lại và nghệ thuật cũng chẳng đến với anh (vì anh nào có tài năng), cho nên thực hiện được sứ mệnh của thi ca, theo tôi là rất khó và chẳng có gì bảo đảm...
- Sau sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời sáng tác, ông sẽ tiếp tục lao động chữ nghĩa như thế nào?
- Trong sáng tạo, người ta vẫn nghĩ rằng: “Thi sĩ không có tuổi”. Điều ấy có thể đúng nhưng chỉ trong lĩnh vực tinh thần và trong tâm hồn những người làm thơ. Thực ra là: “Thơ nghĩ chưa ra, già đã tới”, tôi đã từng viết: “Biết mấy lênh bênh dăm cuốn sách/ Một thoáng nhìn nhau tóc bạc rồi/ Đăm đắm nghiệp văn người lận đận/ Giật mình trang giấy toát mồ hôi”. Cũng thoáng một chút mặc cảm, một chút tiếc nuối, cảm giác chưa làm được bao nhiêu mà đã “nhà thơ ơi, chiều rồi”. Và tôi tìm sự chia sẻ, tri ân trong cuốn “Nghiệp văn biết mấy” - cuốn hồi ức văn học và tiểu luận (NXB Hội Nhà văn, 2020) và “Cảm nhận 69” - cuốn thơ chọn và bình (NXB Hội Nhà văn, 2021) với các nhà thơ và bạn thơ. Còn sáng tác thì “Nhẩn nha sống, nhẩn nha viết/ Nhẩn nha chiều, gió giục hướng mình đi...”. Tôi vẫn phải lao động bền bỉ và cật lực bởi trách nhiệm của nhà thơ đối với đời sống, và cũng là đã mang nghiệp văn nữa.
- Cảm ơn nhà thơ đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.