(HNM) - Là giải pháp để người dân tăng diện tích cũng như phòng chống trộm cho nhà ở, tuy nhiên “chuồng cọp” lại bịt kín lối thoát hiểm khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Hiện cơ quan chức năng đã đưa ra giải pháp thoát nạn cho vấn đề này, nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân trong việc tự bảo vệ mình trước nguy cơ cháy, nổ.
“Chuồng cọp” khiến công tác phòng cháy, chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Hoàng Anh |
Trưa 21-6, một vụ cháy đã xảy ra tại Khu tập thể A25 (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy). Nói về vụ cháy này, Đại úy Đỗ Tuấn Anh, Phó Đội trưởng Đội Chữa cháy và cứu nạn chuyên nghiệp (Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 3) cho biết: Vụ cháy nhỏ, được dập tắt kịp thời, không gây thiệt hại. Nếu đây là vụ cháy lớn, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng bởi khu vực cháy là nhà dân được cơi nới, quây kín bằng lưới sắt dạng “chuồng cọp”.
Qua những vụ cháy xảy ra cho thấy, những “chuồng cọp” càng được gia công kiên cố thì càng có nguy cơ thiệt hại về người và tài sản bởi công trình này đã bịt kín đường thoát nạn khi cháy, nổ xảy ra. Thượng tá Trương Đức Dũng, Phó Trưởng phòng Cứu nạn, cứu hộ (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội) cho biết, khi xảy ra cháy, muốn cứu người và chữa cháy bên trong thì phải cắt bỏ rào sắt của “chuồng cọp”. Tuy nhiên, công việc này đòi hỏi khá nhiều thời gian dẫn đến chậm trễ trong việc cứu nạn nhân. Điển hình như vụ cháy tại phố Vọng (quận Hai Bà Trưng) tháng 7-2017 khiến 2 người chết bởi lý do này.
Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, tình hình cháy ở các khu dân cư, nhất là các hộ dân sử dụng “chuồng cọp” có nhiều diễn biến phức tạp. Để xảy ra tình trạng “chuồng cọp” bủa vây nhiều nhà chung cư như hiện nay có trách nhiệm rất lớn của những đơn vị quản lý tòa nhà và chính quyền địa phương. Nếu các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm vi phạm sẽ hạn chế được việc các hộ dân xây dựng “chuồng cọp”. Ngoài ra, một phần không nhỏ người dân sinh sống tại các nhà có “chuồng cọp” có tâm lý chủ quan, thờ ơ với các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Hiện tại đang là cao điểm mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao dẫn đến nguy cơ cháy, nổ lớn. Để thực hiện chỉ đạo của thành phố về công tác phòng cháy, chữa cháy, thời gian tới, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố sẽ tập trung tập huấn tuyên truyền, khuyến cáo các cơ quan tổ chức, người dân trên địa bàn về các biện pháp, giải pháp phòng cháy, chữa cháy.
Đại tá Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 4 cho biết, đơn vị đã chủ động tham mưu, lập báo cáo để UBND quận Long Biên chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức vận động người dân tháo dỡ một số lồng sắt trên ban công gây nguy hiểm đến an toàn phòng cháy, chữa cháy. Đến nay đã có hàng chục “chuồng cọp” được người dân tự giác tháo dỡ, mở lối thoát nạn. Tại quận Cầu Giấy, sau khi thí điểm biện pháp mở cửa thoát hiểm tại “chuồng cọp” của 100% hộ dân tại Khu tập thể A12 (phường Nghĩa Tân) mang lại kết quả khả quan, Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 3 đang tích cực triển khai đến toàn bộ các khu tập thể cũ trên địa bàn quận.
Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 3 khuyến cáo, người dân nên chủ động mở lối thoát hiểm ở ban công, không nên bịt kín. Nếu đã lắp thì nên làm cửa cho “chuồng cọp”, ô cửa có khóa và để chìa khóa ở nơi dễ lấy. Khi xảy ra cháy, có thể thông qua các ô cửa này thoát ra ngoài bằng dây thừng. Nếu trong nhà không có dây thừng, người dân có thể dùng rèm, màn, quần áo nối với nhau để trèo xuống qua ô cửa. Với những nhà xây dựng mới, người dân nên bố trí lối thoát nạn đủ kích thước. Các nhà dân liền kề nên cùng nhau xây dựng phương án để tạo ra lối thoát hiểm ở ban công, từ nhà này sang nhà khác, khi xảy ra cháy có thể trợ giúp nhau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.