Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xóa lối đi tự mở qua đường sắt

Tuấn Khải| 09/02/2023 06:24

(HNM) - Khẩn trương rà soát, rào chắn, thu hẹp và dần xóa các lối đi tự mở; đề xuất bổ sung quy định để có thể nâng cấp các lối đi tự mở thành những đường ngang hợp pháp; lập kế hoạch sửa chữa hạ tầng, làm đường gom; tăng cường tập huấn nghiệp vụ và phổ biến kinh nghiệm cho nhân viên trực cảnh giới... Đó là những giải pháp nhằm kéo giảm tai nạn giao thông đường sắt.

Hiện trường vụ tai nạn giữa tàu SE5 và xe container tại huyện Thường Tín, ngày 28-1. Ảnh: Hoàng Phong

Liên tiếp xảy ra tai nạn

Những ngày qua, tại các lối đi tự mở, đường ngang giao cắt với tuyến đường sắt Bắc - Nam, tai nạn giao thông liên tục xảy ra. Mới nhất, ngày 4-2, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam qua khu vực ngõ 268 đường Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì), một người điều khiển xe máy do thiếu quan sát, lại gặp trời mưa đường trơn nên đã va chạm với tàu hỏa đang chạy chậm về Ga Giáp Bát. Dù không có thương vong về người nhưng xe máy bị hư hỏng.

Trước đó, vào ngày 28-1-2023, xe container biển kiểm soát 15C-052.xx khi qua Km28+800 tuyến đường sắt Bắc - Nam, rẽ vào xã Quang Trung (huyện Thường Tín), do thiếu quan sát, đã va phải đoàn tàu khách SE5 di chuyển theo hướng từ Ga Hà Nội đi thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó 1 ngày (ngày 29-1), tại Km7+525 khu gian Văn Điển - Giáp Bát (ngõ 148 đường Ngọc Hồi) lại xảy ra vụ tai nạn giữa tàu hỏa với xe ô tô 4 chỗ. Xe ô tô biến dạng phần đầu sau khi bị đoàn tàu kéo lê một đoạn dài. Rất may, cả 2 vụ tai nạn giao thông đường sắt nói trên đều không có thương vong về người.

Ngay sau vụ tai nạn xảy ra giữa tàu SE5 và xe container, Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải) đã cùng liên ngành và chính quyền địa phương kiểm tra hàng loạt lối đi tự mở qua đường sắt, đặc biệt là tại Km28+800 (vị trí xảy ra vụ tai nạn). Tại các lối đi có bố trí trực cảnh giới, địa phương đã lắp đặt trạm gác, trang bị đầy đủ thiết bị theo quy định. Nhân viên trực có chứng chỉ chuyên môn, làm việc 24/24 giờ. Tuy nhiên, tại một số lối đi, bề mặt giao cắt không êm thuận, cao độ giữa đường sắt và đường bộ lớn, góc cua hẹp, che khuất tầm nhìn... ảnh hưởng đến việc lưu thông của phương tiện.

Cần sớm cải tạo hạ tầng, đóng dần các lối đi tự mở

Có trạm gác, trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ cảnh giới và bố trí nhân viên chốt trực 24/24 giờ nhưng tai nạn vẫn xảy ra. Vậy đâu là nguyên nhân? Nhiều ý kiến cho rằng, ý thức của một bộ phận người dân tham gia giao thông còn hạn chế, kỹ năng tham gia giao thông kém nên dù có nhân viên chốt trực, nguy cơ tai nạn vẫn hiện hữu. Do đó, bên cạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức thì cần phải có những biện pháp quyết liệt hơn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, tuyến đường sắt Bắc - Nam trên địa bàn huyện dài 17,2km, qua 11 xã với nhiều khu dân cư đông đúc, lượng người và phương tiện lưu thông tại các lối đi tự mở, đường ngang rất lớn. Thời gian qua, để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, huyện đã phối hợp với các đơn vị chức năng rào, thu hẹp và xóa hàng loạt lối đi tự mở. Cụ thể, năm 2018 đóng 43 lối, năm 2020 đóng 50 lối, thu hẹp 11 lối, năm 2022 đóng 10 lối... Theo kế hoạch năm 2023, huyện sẽ tiếp tục khảo sát để đóng tiếp.

“Quan điểm của huyện là phải đóng tất cả các lối đi chỉ phục vụ cho một vài hộ dân, nhất là các hộ vi phạm quy định về đất đai dọc đường sắt. Tuy nhiên, đối với các lối đi tồn tại do lịch sử, lại vào các trung tâm dân cư, trung tâm xã, không thể xóa bỏ được thì cần có giải pháp khác. Chỉ cần làm khoảng 4km đường gom là có thể xóa toàn bộ lối đi tự mở trên địa bàn huyện”, ông Bùi Công Thản thông tin.

Đề nghị các cơ quan liên quan rà soát lại toàn bộ lối đi tự mở để thống nhất biện pháp quản lý, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Đường sắt Việt Nam Trần Thiện Cảnh chỉ rõ, đối với những lối đi rộng hơn 3m vào đường liên xã, liên huyện, Cục đề xuất điều chỉnh các quy định để nâng cấp thành đường ngang. Cùng với đó, Cục sẽ lập kế hoạch sửa chữa hạ tầng bảo đảm êm thuận tại các lối đi qua đường sắt, cắm biển hạn chế phương tiện… 

Nhằm bảo đảm an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn Thủ đô, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã yêu cầu Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông rà soát toàn bộ các vị trí tổ chức trực cảnh giới trước ngày 13-2-2023; phối hợp với ngành Đường sắt tập huấn nghiệp vụ và phổ biến kinh nghiệm cho nhân viên trực cảnh giới; điều chỉnh, bổ sung quy trình trực gác phù hợp với tình hình giao thông của từng vị trí…

Năm 2022, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã đề xuất thành phố Hà Nội chủ trương đầu tư dự án bảo đảm trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt và xử lý dứt điểm lối đi tự mở trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2022-2025. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 600 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Mục tiêu là xóa 270 lối đi tự mở; lập 11,43km hàng rào và 11,43km đường gom; xây dựng mới 13 đường ngang và 3 hầm chui đường sắt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xóa lối đi tự mở qua đường sắt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.