Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xoa dịu những nỗi đau

Kim Phượng| 30/04/2012 07:09

(HNM) - Gần 20 năm qua, cứ đến tháng 3, Mike Boehm lại đến Việt Nam để giúp những người phụ nữ nghèo Quảng Ngãi và có mặt dưới chân tượng đài Sơn Mỹ kéo bản nhạc


Gần 20 năm qua, cứ đến tháng 3, cựu chiến binh Mỹ Roy Mike Boehm lại về kéo vĩ cầm dưới chân tượng đài Sơn Mỹ tưởng niệm linh hồn 504 thường dân vô tội trong vụ thảm sát Mỹ Lai.

Mike Boehm là cựu binh đã tham chiến ở chiến trường miền Nam. Ông có mặt ở Củ Chi một tuần trước Chiến dịch Mậu Thân năm 1968 - thời điểm xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng ở Mỹ Lai. Trở về Mỹ vào năm 1969, Mike cảm thấy mình bị lừa dối. Nỗi ám ảnh về cuộc chiến tranh mà Mike cho là phi nghĩa cứ khắc khoải trong tâm trí, để rồi sau hàng chục năm ám ảnh, năm 1992, người cựu chiến binh Mỹ quyết định về Mỹ Lai, thầm nguyện với lòng mình phải có trách nhiệm với mảnh đất đau thương này. Và từ đó, chuyến đi định mệnh để cất lên tiếng vĩ cầm tạ lỗi trước hương hồn những người dân bị quân đội Mỹ thảm sát năm 1968 đã trở thành một bước ngoặt khiến Mike Boehm gắn bó với Quảng Ngãi. Thổ lộ về lần đầu tiên trở lại Việt Nam vào năm 1992 với 11 cựu chiến binh khác trong khuôn khổ Dự án Cựu chiến binh Mỹ tái thiết Việt Nam (Veteran's Vietnam Restoration Project - VVRP), cảm giác ban đầu của Mike Boehm là e sợ sẽ phải đối mặt với sự hận thù của người dân ở đó. Ông nhớ lại: "Chúng tôi không biết sẽ được đón nhận ra sao, sẽ được đối xử như thế nào, bởi vì họ đều biết chúng tôi là những cựu chiến binh, nhưng chúng tôi đã được đối xử một cách tôn trọng hơn cả những gì chúng tôi trông đợi. Trong suốt 20 năm làm việc ở Việt Nam, tôi chưa bao giờ chứng kiến sự hận thù, tôi chưa bao giờ chứng kiến sự tức giận, mặc dù tôi biết điều đó có tồn tại".

Trong thời gian làm việc với VVRP để xây dựng các phòng khám ở Việt Nam, ông đã được nghe kể những câu chuyện đau thương về cuộc chiến từ cả các cựu chiến binh Mỹ cũng như từ những người Việt Nam để khi quay về Mỹ có một điều gì đó luôn thôi thúc ông phải trở lại. Và như định mệnh, ước muốn của ông đã thành hiện thực khi được biết Hội Phụ nữ Quảng Ngãi đang cần một dự án tài chính vi mô để hỗ trợ phụ nữ nghèo. Năm 1994, ông sáng lập tổ chức phi chính phủ Madison Quakers, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ người dân nơi đây. Theo Mike, phụ nữ là đối tượng chịu tác động bất lợi nhất cả trong chiến tranh và những lúc thiên tai, bão tố, nhưng họ rất rắn rỏi, chịu thương chịu khó và có thể gánh vác cả gia đình. Hỗ trợ cho phụ nữ là một cách làm cho gia đình Việt Nam bền vững nhất. Để thực hiện được những hoạt động này, gần 20 năm qua, Mike Boehm đã đi đi, về về giữa Mỹ và Việt Nam để vận động gây quỹ và thậm chí gần đây ông cũng đi thuyết trình cả ở Nhật Bản để vận động các nhà hảo tâm. Với số tiền 3.000 USD ban đầu, đến nay, Mike đã quyên góp từ bạn bè, các nhà hảo tâm ở Mỹ để giúp vốn cho hàng trăm phụ nữ nghèo ở Quảng Ngãi với số tiền gần 2,5 tỷ đồng; đồng thời tặng hơn 100 ngôi nhà tình thương cho chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Kết quả là bằng những đồng vốn vay dù rất nhỏ của tổ chức do Mike Boehm sáng lập ở Việt Nam, nhiều phụ nữ đã trút bỏ được gánh nặng kinh tế và tìm được lại nụ cười sau những mất mát, đau thương mà họ đã phải trải qua trong cuộc chiến tranh.

Cảm động trước nghĩa cử, tình cảm chân thành của Mike, nhiều chị em nghèo Quảng Ngãi trìu mến gọi ông là "Ông Mai phụ nữ". Còn người cựu chiến binh Mỹ giàu lòng nhân hậu chỉ giản dị cho biết: "Hy vọng những việc làm nhỏ bé của tôi góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh ở Việt Nam. Tháng 3, theo tâm niệm của tôi là gom góp hành động nhỏ thiết thực vì thế giới hòa bình. Điều đó đã thôi thúc tôi trở lại vùng quê đau thương Sơn Mỹ, kéo vĩ cầm tưởng niệm 504 thường dân vô tội trong vụ thảm sát Mỹ Lai và tiếp tục cuộc hành trình giúp phụ nữ và trẻ em nghèo Quảng Ngãi".

Ông Phan Văn Đỗ - đại diện Tổ chức Madison Quackers tại Việt Nam nói: "Ông Mike hy sinh cuộc sống riêng tư của mình, tự nhận mình là người nghèo ở Mỹ. Suốt nhiều năm qua, ông ấy đã lặng lẽ quyên góp quĩ từ Mỹ để rồi tháng 3 hằng năm lại đến Quảng Ngãi giúp phụ nữ nghèo. Tấm lòng nhiệt thành của ông thật đáng trân trọng".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xoa dịu những nỗi đau

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.