Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xóa ''điểm đen'' úng ngập tại Đại lộ Thăng Long

Dạ Khánh| 28/07/2022 06:20

(HNM) - Nhiều năm qua, cứ mưa lớn là xảy ra úng ngập tại Đại lộ Thăng Long, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của người dân. Nguyên nhân là tốc độ đô thị hóa nhanh trong khi hạ tầng kỹ thuật phát triển chưa tương xứng. Nhằm xóa “điểm đen” úng ngập tại Đại lộ Thăng Long, phương án giải quyết thoát nước đang được Hà Nội tính đến...

Công nhân Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội sử dụng máy bơm giải quyết úng ngập cục bộ tại hầm chui dân sinh số 3, Đại lộ Thăng Long.

Chưa được đầu tư theo quy hoạch

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, quá trình đô thị hóa đã biến các khu vực trũng thấp, trước đây là vùng chứa nước điều hòa cho khu vực, trở thành các khu đô thị với mật độ bê tông hóa cao. Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật thoát nước chưa được đầu tư tương xứng, cùng với hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, dẫn đến úng ngập cục bộ khi mưa lớn.

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, khu vực thường xuyên ngập khi có mưa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân là các hầm chui dân sinh số 3, 5, 6 và Km9+656 trên Đại lộ Thăng Long. Chiều sâu ngập trung bình khoảng 40cm.

Thông tin cụ thể hơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội Trịnh Ngọc Sơn cho hay, do cao độ mặt đường các hầm chui đều thấp hơn so với cao độ nền đường xung quanh trung bình 0,5- 0,7m nên khi mưa, lượng nước chảy về, gây úng ngập. Hiện trạng thoát nước khu vực Đại lộ Thăng Long chủ yếu là tự chảy, phụ thuộc vào mực nước sông Nhuệ. Khi mực nước sông Nhuệ và sông Cầu Ngà dâng cao, thậm chí nước còn chảy ngược trở lại.

“Theo Quy hoạch phân khu đô thị S3, nước theo các kênh dẫn, sông Cầu Ngà đến Trạm bơm Đào Nguyên (công suất 25m3/s) và Trạm bơm Yên Nghĩa (công suất 120m3/s) để đưa ra sông Nhuệ. Tuy nhiên, Trạm bơm Đào Nguyên chưa được cải tạo, nâng cấp; Trạm bơm Yên Nghĩa mới hoàn thành nhà trạm và lắp đặt các tổ bơm, các kênh dẫn chưa hoàn thiện. Hệ thống dẫn thoát nước trên đường nhánh Đại lộ Thăng Long (địa bàn huyện Hoài Đức) có hướng chảy về sông Cầu Ngà để ra sông Nhuệ và Trạm bơm Đào Nguyên cũng chưa được xây dựng”, ông Trịnh Ngọc Sơn cho hay.

Hướng đến giải pháp lâu dài

Để giải quyết tình trạng úng ngập cục bộ tại Đại lộ Thăng Long, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đã kiểm tra, rà soát và nạo vét các tuyến cống truyền dẫn từ các hầm chui đến nguồn tiêu, bảo đảm khai thác tối đa khả năng thoát nước của hệ thống. Đồng thời, đơn vị đắp các đập quây bằng bao tải cát để hạn chế lượng nước từ các khu vực lân cận chảy vào khu vực hầm chui; xây dựng phương án ứng trực tại hiện trường khi có mưa lớn; huy động lực lượng điều tiết giao thông, vận hành các bơm di động để giảm mức độ ngập…

Ban quản lý Khu đô thị Geleximco và các chủ đầu tư dự án khu đô thị đã làm việc với các đơn vị thủy lợi liên quan, xây dựng cơ chế phối hợp bảo đảm giải quyết tiêu thoát nước. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là các giải pháp tình thế.

Khắc phục những hạn chế, từng bước giảm các điểm ngập khi mưa lớn, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo nghiên cứu giải pháp lâu dài cho việc tiêu thoát nước, chống úng ngập, trong đó có “điểm đen” úng ngập Đại lộ Thăng Long.

Theo Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Hoàng Mai Hương, Sở Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát và đề xuất, báo cáo UBND thành phố phương án xử lý thoát nước tại một số hầm chui dân sinh Đại lộ Thăng Long trong giai đoạn các trạm bơm đầu mối như Liên Mạc (công suất 120m3/s), Yên Nghĩa (công suất 120m3/s) chưa được xây dựng, hoàn thiện.

Phương án giải quyết thoát nước được Sở Xây dựng nghiên cứu, lựa chọn đề xuất là xây dựng trạm bơm dã chiến Đìa Sáo (công suất khoảng 11,2m3/s) nhằm bơm hạ thấp mực nước trên kênh dẫn T2-4-2. Điểm đầu kênh sẽ xây dựng cửa phai chặn dòng nhằm hạn chế chảy ngược từ kênh T2-4-2 vào. Mực nước trong kênh T2-4-2 và đoạn cống hộp qua Khu đô thị An Khánh được khống chế ổn định trước khi mưa, tạo dung tích chứa, hạ mực nước khi khu vực có mưa. Đồng thời, xây dựng trạm bơm dã chiến Đồng Tép (công suất khoảng 5,25m3/s) để bơm hạ mực nước kênh Đồng Tép và kênh Trung Thượng trước khi có mưa, trong và sau khi mưa nhằm giảm mức độ úng ngập, thời gian úng ngập cho khu vực.

Ưu điểm của phương án này là các vị trí đề xuất xây dựng trạm bơm đã có sẵn quỹ đất. Trong đó, vị trí đề xuất xây dựng Trạm bơm Đìa Sáo là vị trí Trạm bơm Đìa Sáo cũ (nằm ở cuối kênh T2-4-2). Do không còn phục vụ mục đích tưới tiêu nên đơn vị quản lý đã dỡ bỏ, khu đất này chưa có mục tiêu sử dụng tiếp theo. Còn vị trí Trạm bơm dã chiến Đồng Tép là tận dụng cải tạo cuối kênh Đồng Tép làm bể hút lắp đặt bơm dã chiến qua đê quai sông Cầu Ngà.

“Ngoài khả năng tiêu thoát nước cho khu vực rộng, bao gồm 4 hầm chui dân sinh số 3, 4, 5, 6, hầm chui Km9+656, phương án này còn hỗ trợ thoát nước cho cả khu vực nút giao Lê Trọng Tấn - đường gom Đại lộ Thăng Long, Khu đô thị Bắc An Khánh, khu vực dân cư, cụm công nghiệp Cầu Nổi - huyện Hoài Đức”, bà Hoàng Mai Hương chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xóa ''điểm đen'' úng ngập tại Đại lộ Thăng Long

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.