(HNM) - Mặc dù các đơn vị chức năng quận Hoàng Mai đã liên tục ra quân xử lý, nhưng vẫn rất khó để xóa bỏ bãi rác, chân rác tồn đọng trên địa bàn. Hoạt động đổ trộm rác, phế thải vẫn tái diễn, đòi hỏi các cơ quan chức năng tại đây phải có giải pháp hiệu quả hơn...
Điểm "nóng” nhất về tình trạng này là phố Bằng Liệt, cách khoảng 2-3m lại xuất hiện một đống phế thải, rác thải. Từng bao tải phế liệu xây dựng được vứt dọc bờ sông Tô Lịch mặc dù UBND phường Hoàng Liệt cắm biển cấm với nội dung: “Khu vực cấm đổ rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng”. Tương tự, tại số 1 Nghiêm Xuân Yêm, tình trạng đổ đất, phế thải ngay trước biển "Cấm đổ đất, phế thải tại đây" vẫn công khai. Theo khảo sát của phóng viên tại khu vực Đuôi Cá, ngã ba đường Giải Phóng - Trương Định, những đống gạch, đồ phế thải vứt vương vãi. Đặc biệt, tại sân bóng Đại Từ, phố Đặng Xuân Bảng từ 14h ngày 19-4, những đống rác thải mới chất đống lên đống rác trước đó đã được người dân đốt bỏ, khiến đoạn đường trở nên nhếch nhác. Bà Trần Thanh Hà, một người dân sống tại đây cho biết: “Có nhiều công ty xây dựng, cá nhân đi xe máy ra đây lén đổ trộm phế thải”. Khu vực hồ Định Công chiều cùng ngày cũng bị những túi rác thải, bao tải đựng phế liệu vứt dọc bên hồ vốn dĩ rất sạch sẽ.
Tình trạng tập kết rác, vôi vữa, gạch vỡ... tại các tuyến đường dân sinh như đường Tam Trinh, Minh Khai, Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp 2 diễn ra khá phổ biến. Lý do đưa ra là do các tuyến đường không có vỉa hè, một mặt chưa được phê duyệt điểm đổ phế thải, nên tình trạng đổ trộm trên đất công, đất nông nghiệp vẫn chưa có biện pháp xử lý.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Lợi, cán bộ Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng quận Hoàng Mai cho biết, tình trạng tồn tại các điểm rác thải sinh hoạt trên các tuyến đường, ngõ ngách trên địa bàn quận đã giảm hơn nhiều do người dân ý thức hơn trong việc đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Hơn nữa, lực lượng công nhân vệ sinh môi trường quận đã thực hiện nghiêm tinh thần xử lý rác sinh hoạt ngay trong ngày, không để tồn đọng rác sang ngày hôm sau.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Lợi cũng thừa nhận vẫn còn tồn tại các chân rác, bãi rác là phế thải xây dựng, vật dụng cồng kềnh. Dù đã bố trí lực lượng chốt trực để xử lý đối tượng đổ trộm đất, phế thải nhưng khi lực lượng chức năng đi khỏi thì tình trạng này lại tái diễn. Nhiều lần các đơn vị liên quan ra quân dọn dẹp, giao cho các phường và các đơn vị liên quan kiểm tra, theo dõi và có biện pháp chống tái vi phạm. Tuy nhiên, sau nhiều đợt ra quân, đường phố chỉ sạch đẹp được 1, 2 ngày thì rác, phế thải xây dựng lại tấn công. Cụ thể, dù trong hai ngày 13 và 14-4 vừa qua, các đơn vị liên quan của quận, phường tổ chức thu dọn rác thải tại số 1 Nghiêm Xuân Yêm, đường Nguyễn Xiển, có cắm biển cấm đổ rác nhưng chỉ sau đó vài ngày lại xuất hiện rác.
Hoặc tại phố Bằng Liệt, do tuyến đường thuộc Dự án thoát nước Hà Nội chưa thực hiện xong nên chưa xử lý dứt điểm được hiện tượng đổ trộm rác, phế thải. UBND quận cũng có văn bản báo cáo UBND thành phố chỉ đạo chủ đầu tư sớm bàn giao lại vỉa hè cho quận quản lý nhằm xóa bỏ tình trạng này. Ngày 10-7-2018, UBND thành phố có Văn bản số 5279/VP-ĐT chỉ đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ Dự án thoát nước Hà Nội - giai đoạn 1 hạng mục đường bờ trái sông Tô Lịch, sớm hoàn thành, bàn giao công trình để đưa vào khai thác sử dụng theo quy định. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án vẫn chưa thực hiện.
Có thể thấy, việc xử lý và xóa sổ các điểm đen về rác thải trên địa bàn quận Hoàng Mai vẫn chưa giải quyết được triệt để. Mặc dù UBND quận Hoàng Mai rất quyết liệt trong xử lý vi phạm nhưng nếu không áp dụng các biện pháp mạnh tay, tăng cường lực lượng, quy trách nhiệm cho chính quyền sở tại thì e rằng rất khó xử lý những tồn đọng đang diễn ra nơi đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.