(HNM) - Ô nhiễm từ Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn; các tuyến đường có xe vận chuyển rác chạy qua và các hoạt động sản xuất trong khu dân cư... được huyện Sóc Sơn xác định là những “điểm đen” về môi trường.
Dây chuyền xử lý chất thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Thái Hiền |
Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn là nơi tập trung và xử lý chất thải tập trung lớn nhất của TP Hà Nội nằm trên địa bàn 3 xã: Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, được xây dựng năm 1999 với tổng diện tích gần 160ha. Theo thiết kế ban đầu, bãi rác bảo đảm xử lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố đến năm 2020 với công suất khoảng 1.000 tấn/ngày, đêm. Tuy nhiên, hiện nay lượng rác đưa về đây lên đến 4.500-6.000 tấn/ngày, đêm (gấp 4-6 lần so với thiết kế ban đầu).
Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường Sóc Sơn, do khối lượng rác tăng, công nghệ xử lý chủ yếu là chôn lấp, lượng rác lộ thiên lớn dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống của người dân trong vùng. Các hồ chứa nước rỉ rác chưa kịp xử lý với dung tích gần 1 triệu mét khối, đang là nguồn phát thải các khí độc như: Metan, hirdro sunfua, cacbonic... Các tuyến đường có xe vận chuyển rác chạy qua cũng ô nhiễm không kém. Mỗi ngày, hàng trăm xe chở rác về bãi, nhiều xe không kín khít, gây rò rỉ nước rác làm bẩn đường, khiến người dân bức xúc...
Ngoài ra, theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn Lê Thị Hải, trên địa bàn huyện có gần 2.000 cơ sở sản xuất công nghiệp như: Cơ khí chế tạo, đúc phôi sắt - thép từ phế liệu, tái chế hạt nhựa, gioăng kính... đã phát sinh khí thải gây mùi khó chịu. Tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, người dân đã nhiều lần đề nghị giải quyết triệt để...
Trước thực trạng nêu trên, từ năm 2012 đến nay, huyện Sóc Sơn đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình, đề án và kế hoạch cụ thể nhằm cải thiện vấn đề này. Để giảm thiểu sự độc hại từ Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, đặc biệt là mùi và nước rác, bãi rác đã được phủ bằng vải địa kỹ thuật HDPE thay thế lớp đất phủ, tăng cường phun chế phẩm sinh học enchoi, thuốc khử mùi, diệt côn trùng... từng bước khắc phục tình trạng phát thải mùi và khí nhà kính ra môi trường, giảm lượng nước rỉ rác cần xử lý.
Thành phố cũng tạo điều kiện xã hội hóa công tác xử lý nước rác, hiện nay có 3 đơn vị tham gia với tổng công suất 4.500m3/ngày, bước đầu cơ bản xử lý được nước rác phát sinh hằng ngày. Việc sử dụng các xe vận chuyển rác chuyên dùng cũng được kiểm tra và thay thế theo lộ trình của Sở Xây dựng. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND xã Nam Sơn Nguyễn Ngọc Oanh, hiện tượng rò rỉ nước rác ra đường chưa được khắc phục triệt để, cần có biện pháp rốt ráo hơn...
Đối với hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm, từ năm 2010 đến nay, huyện Sóc Sơn đã xử lý 3 cơ sở đúc phôi thép từ phế liệu; 2 cơ sở còn lại dừng hoạt động từ năm 2016; 5 cơ sở tái chế nhựa, gioăng kính đang được phân loại, xây dựng lộ trình để xử lý...
Bà Lê Thị Hải, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn cho biết, UBND huyện đã bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị, xóa các điểm chân rác, đẩy mạnh xã hội hóa trong thu gom, xử lý rác thải nông thôn. Sóc Sơn đưa nội dung bảo vệ môi trường vào hương ước, quy ước của thôn làng và coi đó là một trong những tiêu chí bình xét danh hiệu làng văn hóa, gia đình văn hóa. Đến nay, gần 90% số thôn ở Sóc Sơn có khu dân cư tự quản về môi trường, tỷ lệ thu gom rác thải đạt 80%...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.