Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xóa dần "tuyến trắng" xe buýt ngoại thành

Tuấn Lương| 07/03/2016 07:06

(HNM) - Dù còn nhiều khó khăn song việc mở rộng vùng


Nhiều lợi ích

Sau khi Sở GT-VT Hà Nội và Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) mở rộng vùng phục vụ dọc tuyến quốc lộ (QL) 1 với tuyến 6A Bến xe (BX) Giáp Bát - Cầu Giẽ việc đi lại của Nguyễn Trần Khánh (Đỗ Xá, huyện Thường Tín), sinh viên Trường Đại học Xây dựng, thuận lợi hẳn. Thay vì phải thuê trọ, hoặc phóng xe máy mấy chục cây số đến trường, hằng ngày em bắt xe buýt chạy ngang qua cửa nhà để đến BX Giáp Bát rồi từ đó đến trường và ngược lại. "Vé xe buýt rất rẻ, chỉ 90.000 đồng/tháng, xe máy để trung chuyển thì gửi nhà bạn gần BX. Thuận tiện, rẻ, nhưng quan trọng nhất là an toàn. Nhiều người làm việc ở các khu công nghiệp dọc QL1 cũng thường chọn tuyến buýt này để di chuyển" - Nguyễn Trần Khánh chia sẻ.

Việc “phủ sóng” xe buýt ra các huyện ngoại thành sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, đồng thời ngăn ngừa ùn tắc từ xa cho khu vực nội đô. Ảnh: Hải Anh


Tương tự, từ ngày Sở GT-VT Hà Nội kéo dài tuyến xe buýt 35 từ Trần Khánh Dư lên trung tâm huyện Mê Linh, bà Nguyễn Thị Minh Loan (ngõ Hòa Bình 7, quận Hai Bà Trưng) có thêm một lựa chọn thuận tiện mỗi khi đi thăm mộ phần người thân ở Nghĩa trang Thanh Tước. Sáng ra điểm đỗ xe buýt số 35 ở phố Đại Cồ Việt, hoặc Xã Đàn, mua vé mất 9.000 đồng/lượt, xe buýt đưa đến Mê Linh. Theo bà Loan, hồi chưa có tuyến buýt này, mỗi lần có việc lên đó phải thuê xe taxi đi rất tốn kém...

Hiệu quả từ chủ trương mở rộng vùng phục vụ của xe buýt ra các khu vực ngoại thành của Thủ đô là không thể phủ nhận. Theo ông Nguyễn Phi Thường, Tổng Giám đốc Tổng công ty Transerco, việc mở rộng "phủ sóng" xe buýt đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, giúp hạn chế ùn tắc giao thông từ xa cho thành phố. 9 tuyến kéo ra ngoại thành mà Sở GT- VT Hà Nội giao Transerco thực hiện trung bình vận chuyển hơn 100.000 khách/ngày. Trong đó, nhiều nhất là tuyến 6A có 186 lượt xe/ngày, vận chuyển bình quân 43.717 khách/ngày; tuyến 6B có 46 lượt xe/ngày, vận chuyển bình quân 7.984 khách/ngày…

Tiếp tục mở rộng

Trao đổi với PV Báo Hànộimới, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Sở GT-VT Hà Nội) cho biết, ngay từ khi mới hợp nhất địa giới hành chính Hà Nội - Hà Tây và huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc), lãnh đạo thành phố đã rất quan tâm đến việc mở rộng vùng phục vụ của xe buýt nhằm tạo điều kiện cho người dân đi lại được thuận lợi hơn. Việc mở rộng vùng phục vụ đến thời điểm này đã cơ bản hình thành được các tuyến trục kết nối các khu vực ngoại thành với trung tâm TP Hà Nội. Hiện tại, toàn bộ các trục đường kết nối ngoại thành tới trung tâm thành phố cơ bản đã có xe buýt có trợ giá hoạt động (QL1, QL6, QL32 và tuyến đê Hữu Hồng qua các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ). Các tuyến buýt nói trên luôn có sản lượng hành khách đi lại rất lớn cho thấy phù hợp với nhu cầu đi lại của nhân dân và góp phần đáng kể vào việc hạn chế từ xa việc sử dụng phương tiện cá nhân đi vào thành phố.

Việc mở rộng vùng phục vụ đã phát sinh chi phí vận hành khá lớn kéo theo nhu cầu trợ giá từ ngân sách lớn. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng xe buýt của nhân dân các khu vực trên rất cao, phù hợp với việc tổ chức hoạt động xe buýt, Sở GT-VT Hà Nội đang tổ chức đấu thầu tiếp tục đưa vào hoạt động thêm 2 tuyến buýt trợ giá số 72 (BX Yên Nghĩa - Xuân Mai) và tuyến buýt 82 (BX Yên Nghĩa - Tế Tiêu). Trong đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2016-2020, định hướng năm 2030, Sở GT-VT Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát mạng lưới, hiệu chỉnh lại các tuyến buýt tiếp cận các khu đô thị mới, các tuyến đường mới mở của thành phố; xây dựng kế hoạch tổ chức lại mạng lưới khi các loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn (đường sắt đô thị, xe buýt nhanh - BRT) đi vào hoạt động trên nguyên tắc bảo đảm kết nối đa phương thức, tạo thuận lợi nhất cho hành khách, giảm thời gian đi lại của hành khách. Tiếp tục mở rộng vùng phục vụ của xe buýt tới các huyện, xã có nhu cầu sử dụng xe buýt lớn, trong đó tập trung mở rộng vùng phục vụ về các huyện có khả năng kết nối với các tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội…

Sở GT-VT Hà Nội đã đưa vào hoạt động theo hình thức có trợ giá tuyến buýt số 74 (BX Mỹ Đình - Xuân Khanh) với vùng phục vụ được mở rộng đi qua các huyện Thạch Thất, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây. Kéo dài tuyến buýt 20 theo các nhánh Cầu Giấy - BX Sơn Tây hoạt động theo trục QL32 đi qua các xã, thị trấn Trôi, Lai Xá, Phùng, Phúc Thọ, Phố Gạch, thị xã Sơn Tây; nhánh Nhổn - Võng Xuyên hoạt động theo tuyến đê Hữu Hồng đi qua các xã Liên Trung, Liên Hà, Liên Hồng, Trung Châu, Vân Phúc, Võng Xuyên… Tổ chức tuyến buýt 57 (Nam Thăng Long - KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ). Kéo dài tuyến buýt 37 (BX Giáp Bát - Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ). Tổ chức lại tuyến buýt 06 (BX Giáp Bát - Thường Tín) hoạt động theo các nhánh: tuyến 6A (BX Giáp Bát - Cầu Giẽ) mở rộng vùng phục vụ dọc tuyến QL1; tuyến 6B (BX Giáp Bát - Hồng Vân) và tuyến 6C (BX Giáp Bát - Phú Minh) mở rộng đến các xã phía Đông huyện Thường Tín, Phú Xuyên; tuyến 6D (BX Giáp Bát - Tân Dân) và 6E (BX Giáp Bát - Phú Túc) mở rộng vùng phục vụ tới các xã, làng nghề phía Tây huyện Phú Xuyên…
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xóa dần "tuyến trắng" xe buýt ngoại thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.