(HNMCT) - Đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả, các nghệ sĩ xiếc đã không ngừng tìm tòi, đổi mới để mang đến những tác phẩm hiện đại, mới lạ. Thành công của nghệ thuật này cũng mang đến cho sân khấu nhiều bài học đáng suy ngẫm.
Chinh phục bằng diện mạo mới
Sự cạnh tranh khốc liệt của các hình thức giải trí mới đang khiến nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống lâm vào cảnh khó khăn mọi bề. Trong bức tranh chung đó, nghệ thuật xiếc vẫn được đánh giá là “đáng mừng” khi có những tác phẩm mang dáng dấp thời đại, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả hiện nay và bán được vé.
Trong hội thảo “Sân khấu với đề tài hiện đại” do Hội Sân khấu Hà Nội vừa tổ chức, Hội Sân khấu Hà Nội đánh giá: Nghệ thuật xiếc vốn là những trò diễn với những tiết mục đơn lẻ, nhưng rất mừng khi xiếc hiện nay đã có những chương trình kết hợp những trò diễn thành tác phẩm phản ánh cuộc sống mà vẫn không đánh mất đặc trưng loại hình.
Thực tế, việc đổi mới xiếc đã được Liên đoàn Xiếc Việt Nam bắt tay thực hiện từ khá lâu, thành quả ngày càng rõ nét hơn, thể hiện qua những tác phẩm được dàn dựng trong thời gian gần đây. Năm 2018, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho ra mắt loạt chương trình “Đi cùng năm tháng” - chương trình biểu diễn thường niên kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 lấy cảm hứng từ hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Đây là chương trình xiếc đặc sắc tôn vinh hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, có thể kể tới các tác phẩm như “Sống mãi với Điện Biên”, “Ký ức Trường Sơn”, “Biển, đảo là quê hương”, “Vùng trời bình yên”...
Cũng ở mảng đề tài này, vở diễn “Cúc ơi” lấy cảm hứng từ những nữ thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã Ba Đồng Lộc đã khiến người xem vô cùng xúc động. Năm 2019, kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho ra mắt vở diễn “Hà Nội của những giấc mơ”, mang hơi thở của đời sống Hà Nội hôm nay lên sân khấu xiếc.
Cùng với đó là những tác phẩm lấy cảm hứng từ lịch sử, truyện cổ nhưng được gửi gắm thông điệp thời đại, thể hiện bằng nhiều hình thức sinh động. Chẳng hạn như dự án “Huyền sử Việt” có sự kết hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam, lần đầu tiên mang đến cho khán giả trải nghiệm về sự kết hợp giữa hai loại hình nghệ thuật là xiếc và cải lương trong một vở diễn.
Sự đổi mới về hình thức thể hiện của Liên đoàn Xiếc Việt Nam còn thể hiện rõ nét trong các vở diễn ăn khách trong nước như “Thạch Sanh”, “Sơn Tinh - Thủy Tinh”, “Xứ sở phù thủy và chàng trai dũng cảm”, “Cướp biển”, “Nàng tiên cá”, “Lời nguyền của bà tiên”, “Biệt đội anh hùng”, “Chúa tể rừng xanh”... Cùng với đó là các chương trình xiếc đề cao yếu tố dân tộc, có sự ứng dụng kỹ thuật, kỹ xảo tiên tiến, phong cách làm việc chuyên nghiệp được mang đi công diễn ở nhiều nước trên thế giới như “Làng tôi”, “Sông Trăng”... gây được tiếng vang lớn.
Mở rộng mảng đề tài hiện đại
Trong hội thảo "Sân khấu với đề tài hiện đại" do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức, NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam đánh giá: “Không nằm ngoài xu hướng chung của xiếc trên thế giới, xiếc Việt Nam hiện nay ngoài các tiết mục truyền thống đã tiếp cận đề tài hiện đại, xây dựng chương trình có ý tưởng, nội dung là những câu chuyện gần gũi, thân thiết, mang tính phổ biến trong cộng đồng và tương thích với ngôn ngữ nghệ thuật xiếc, đưa được thông điệp đến người xem. Các tiết mục xiếc được dàn dựng bám sát chủ đề về cuộc sống đương đại kết hợp khai thác bản sắc dân tộc, thể hiện qua trang phục, đạo cụ, âm nhạc, trang trí mỹ thuật...
Các vở kịch xiếc thành công đều có tính kịch sâu sắc, độc đáo, có sức hấp dẫn đối với người xem. Cốt truyện thường đơn giản, dễ tiếp nhận nội dung, hạn chế tối đa lời thoại. Câu chuyện không có quá nhiều sự kiện, tình tiết... nhưng vẫn đảm bảo được tính tư tưởng, triết lý, không khắc họa các nhân vật có nội tâm, tính cách hình thể quá phức tạp.
Ngoài vai trò của đạo diễn, với nghệ thuật xiếc, kỹ năng, kỹ xảo là yếu tố quyết định để chuyển tải ngôn ngữ xiếc, thể hiện nội dung câu chuyện, có nghĩa là, để thực hiện các động tác sân khấu đó, đạo diễn phải biết sử dụng kỹ xảo một cách hiệu quả để hành động tương thích với nội dung. Chính sự thay đổi, đa dạng hóa về ngôn ngữ xiếc đã khiến vở diễn vẫn độc đáo khi giữ được đặc trưng loại hình, lại thêm vẻ mới lạ khi diễn tả nội dung phù hợp”.
NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam từng chia sẻ: “Trước khi xây dựng một tác phẩm xiếc, chúng tôi thường nghiên cứu thị hiếu khán giả, xu hướng mà giới trẻ đang quan tâm để từ đó xây dựng kịch bản phù hợp”. Với tâm thế đó và sự tìm tòi không ngừng trong cách thể hiện, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có được những tác phẩm phù hợp, luôn thu hút công chúng - điều đáng mừng và đáng học hỏi của sân khấu hôm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.