Sáng 11-3, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan với phần xét hỏi các bị cáo Trương Mỹ Lan và Nguyễn Cao Trí.
Trả lời trước Hội đồng xét xử, bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng, cáo trạng có một số điểm chưa chính xác. Trong quá trình điều tra, có lúc bị cáo khai đúng, có phần khai chưa đúng nhưng bị cáo chưa bao giờ xác nhận nắm giữ trên 90% cổ phần của Ngân hàng SCB mà thực tế chỉ nắm giữ 4,9% cổ phần, hai con gái của bị cáo nắm giữ mỗi người gần 5%. Tổng cổ phần thành viên trong gia đình bị cáo nắm giữ chỉ khoảng 15%. Còn lại, bị cáo đứng ra bảo lãnh và vận động bạn bè ở nước ngoài nắm khoảng 30%, các bạn bè ở Việt Nam nắm hơn 30%.
Khi được chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh Tòa Hình sự Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu giải thích tại sao tất cả những người đã mua cổ phần của SCB đều nói đứng tên mua cổ phần giúp Trương Mỹ Lan, bị cáo Lan khai những người này đang đứng tên mua giúp bạn bè của bị cáo chứ không phải mua giúp bị cáo.
Theo bị cáo Lan, bạn bè của bị cáo là Việt kiều Canada, Australia… nên theo quy định pháp luật không được đứng tên mua cổ phần góp vốn tại Việt Nam. Do đó, bị cáo Tạ Chiêu Trung đại diện nhóm người này tìm cá nhân trong nước là những người không có việc làm, đang cần thu nhập để đứng tên mua giúp.
Do bị cáo Lan là người trung gian kết nối nhóm cổ đông nước ngoài này với SCB nên bị cáo cho rằng nhóm người đứng tên mua giúp đã lầm tưởng đang đứng tên giúp bị cáo nhưng thực chất là đang đứng tên giúp bạn bè của bị cáo.
Nói về nhóm cổ đông ở nước ngoài chiếm 30% cổ phần SCB, bị cáo Lan cho biết khi thực hiện hợp nhất ba ngân hàng, tình hình ngân hàng SCB rất khó khăn. Thời điểm đó, các nhóm cổ đông của cả ba ngân hàng rất hỗn loạn, tranh giành cổ phần với nhau nên một số lãnh đạo ngành Ngân hàng có nhờ bị cáo Lan đứng ra giúp giải quyết tình hình, bằng mọi giá phải thuyết phục cổ đông của ba ngân hàng “ngừng quậy phá” và tiếp tục hợp nhất.
Bị cáo Lan khai lúc đầu đã từ chối nhiều lần vì không có nghiệp vụ ngân hàng. Sau đó, bị cáo Lan vận động người thân, bạn bè trong và ngoài nước, thực hiện bảo lãnh cho họ để họ đầu tư vào SCB, chung tay mua đủ trên 65% cổ phần nhằm có đủ thẩm quyền ra nghị quyết hợp nhất ba ngân hàng theo quy định của luật pháp. Ngoài ra, bị cáo Lan còn cho mượn tài sản để đưa vào cơ cấu ngân hàng. Bị cáo Lan cho rằng việc làm của mình chỉ vì muốn giúp vực dậy SCB chứ không phải “thâu tóm” quyền hành, chi phối hoạt động ngân hàng như cáo trạng nêu.
Chủ tọa Phạm Lương Toản tiếp tục yêu cầu bị cáo Trương Mỹ Lan giải thích về việc các bị cáo là Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB… đều xác định thực hiện các hành vi đều theo chỉ đạo của Lan. Bị cáo Lan cho rằng các bị cáo khác khai không đúng bởi khi hợp nhất 3 ngân hàng, bị cáo Lan chỉ kêu gọi cổ đông tham gia đầu tư, giúp giải quyết tài sản chứ bản thân bị cáo không có nghiệp vụ ngân hàng nên không thể điều hành. Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng không có ai tham gia vào SCB.
“Nếu bị cáo làm những việc như những gì cáo trạng nói thì không thể ngày hôm nay tất cả tài sản của bị cáo đều nằm ở SCB khiến cả gia tộc nợ nần”, bị cáo Lan khai.
Bị cáo Lan cũng phủ nhận cáo buộc đưa người thân tín vào SCB nắm giữ các chức vụ quan trọng. Bị cáo Lan khẳng định ở SCB không có ai là thân tín của mình, bao gồm cả những bị cáo Lê Khánh Hiền, Võ Tấn Hoàng Văn, Nguyễn Thị Thu Sương. Theo bị cáo Lan, những người này chỉ làm việc tại SCB khoảng một năm là nghỉ, riêng Võ Tấn Hoàng Văn là Tổng Giám đốc nhưng một năm chỉ gặp bị cáo Lan vài lần. Nếu là thân tín thì những người này đã làm và gắn bó với bị cáo trong thời gian dài.
Về cáo buộc chỉ đạo nhân viên SCB thông đồng với thẩm định viên nâng khống giá tài sản để đưa vào làm tài sản đảm bảo tại SCB, Trương Mỹ Lan trả lời không quen biết ai trong các công ty thẩm định giá.
Theo bị cáo Lan, giá bất động sản biến động theo từng điểm. Khi bị cáo chưa bị bắt giữ, khởi tố, giá bất động sản ở mức rất cao nhưng đến khi bị cáo bị bắt, giá đã giảm. Do đó, bị cáo Lan xin Hội đồng xét xử xem lại việc xác định thiệt hại và bồi thường để đảm bảo công bằng cho các đơn vị thẩm định giá.
Về cáo buộc đưa hối lộ cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước để sửa báo cáo kết quả thanh tra, bị cáo Lan cho biết bản thân làm việc “đặt chữ tín hàng đầu, bưng bít hối lộ là không có”.
Bị cáo Lan khai không hề biết Đỗ Thị Nhàn cũng như chỉ đạo đưa tiền cho bị cáo Nhàn. Bị cáo Lan chỉ được Võ Tấn Hoàng Văn và Đinh Văn Thành nhờ gặp Đỗ Thị Nhàn để xin kết thúc sớm thanh tra, tiếp tục hỗ trợ cho Ngân hàng SCB mượn tài sản và kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào giúp SCB. Mọi hành vi khác đều thuộc trách nhiệm của Võ Tấn Hoàng Văn.
Trương Mỹ Lan cũng khẳng định không thực hiện vay tiền vào thời điểm 1-1-2012, vì lúc này SCB đang rất khó khăn, không đủ tiền trang trải thì sao có thể cho bị cáo vay tiền. Trong khi thời điểm đó chính bị cáo đang giúp sức cùng thực hiện phương án tái cơ cấu, hợp nhất 3 ngân hàng. Bị cáo đưa nhiều tài sản vào SCB nên sẽ “không đi chiếm đoạt tiền của chính mình”.
Chủ tọa Phạm Lương Toản phân tích, cáo trạng áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo; phần thiệt hại đã trừ đi số giá trị tài sản đảm bảo của bị cáo là hơn 67.000 tỷ đồng mà Công ty Hoàng Quân đã định giá.
Bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về 3 tội "Tham ô tài sản", "Đưa hối lộ", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức, tín dụng".
Cáo trạng xác định trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến tháng 10-2022, Trương Mỹ Lan thâu tóm, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của Ngân hàng SCB (từ 85% đến 91,5% cổ phần), qua đó trở thành cổ đông có “quyền lực” để chỉ đạo, điều hành, thực chất là thao túng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, phục vụ các mục đích khác nhau của mình, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.
Cũng trong phiên tòa sáng 11-3, Hội đồng xét xử xét hỏi bị cáo Nguyễn Cao Trí, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Capella về hành vi chiếm đoạt của bị cáo Trương Mỹ Lan 1.000 tỷ đồng. Tại tòa, bị cáo Nguyễn Cao Trí thừa nhận hành vi sai phạm.
Theo bị cáo Trí, bị cáo quen biết bị cáo Trương Mỹ Lan vào cuối năm 2017. Từ đó, bị cáo nhiều lần nhận tiền từ bị cáo Lan với tổng cộng 827 tỷ đồng. Sau khi đối chiếu công nợ, hai bị cáo thống nhất số tiền 1.000 tỷ đồng.
Khi có thông tin bị cáo Lan bị khởi tố, bị cáo Trí bối rối vì lúc đó có 4 hợp đồng ký với hệ thống Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trong đó có 3 hợp đồng thanh toán thực chất, khiến bị cáo đối mặt với rủi ro số tiền nhận từ bị cáo Lan bị tăng gấp đôi.
Ngoài ra, bị cáo cũng nghĩ đến quyền lợi của bị cáo Lan do khi tiến hành giao dịch thì bị cáo Lan không tự đứng tên mà để cho bên môi giới đứng tên. Bị cáo Trí cân nhắc nên công khai quan hệ trực tiếp với Lan hay chứng từ để có lợi hơn cho Lan. Trong nỗ lực giải quyết rủi ro cho hệ thống để tách bạch khỏi hệ thống Vạn Thịnh Phát mà không cần công bố giao dịch với bị cáo Lan, bị cáo Trí đã có quyết định sai lầm là cho thanh lý một trong 4 hợp đồng.
Ngay sau đó, bị cáo nhận thấy sai phạm của bản thân nên đã chủ động nhiều lần đề nghị được hoàn trả toàn bộ số tiền nhưng không được chấp thuận. Sau đó, bị cáo tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra, nộp số tiền đã nhận để mong sự việc được giải quyết. Gia đình bị cáo nộp tiền mặt hơn 700 tỷ đồng, phong tỏa tài sản hơn 300 tỷ đồng. Tại phiên tòa, bị cáo Trí mong tiếp tục nộp toàn bộ tiền mặt vì tài khoản bị cáo đủ số tiền.
Với tư cách là bị hại trong cáo buộc với Nguyễn Cao Trí, Trương Mỹ Lan cho biết đồng ý với đề nghị khắc phục của Nguyễn Cao Trí và nhận thấy Trí đã biết sai, đồng thời cũng cho rằng toàn bộ vụ việc chỉ là “tai nạn” nên Lan xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho Trí.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.