Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xét tặng danh hiệu nghệ nhân: Đừng lâu thêm nữa

Bài, ảnh: Dương Xuân| 06/07/2014 02:54

(HNM) - Sau hàng chục năm chờ đợi, cuối tháng 6, Thủ tướng đã ký Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu

Tối thiểu phải có 15 năm hành nghề

Từ hơn chục năm trước, ngành văn hóa khởi xướng việc phong tặng danh hiệu cho nghệ nhân. Công chúng, nghệ nhân đã có những lần tưởng chừng sắp được đón nhận một đợt làm hồ sơ xét tặng nào đó sau những ngày đằng đẵng chờ đợi. Trong số đó có không ít người đã trở thành thiên cổ mà nghị định vẫn chưa xong.

Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc đã qua đời trước khi có Nghị định quy định xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân"; "Nghệ nhân ưu tú".


Ngày 25-6 vừa rồi, Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" (NNND) "Nghệ nhân ưu tú" (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể mới được Thủ tướng ký gồm các chương quy định về quyền lợi, nghĩa vụ của nghệ nhân khi được phong tặng danh hiệu, quy trình, thủ tục xét tặng, cùng các mẫu khai thành tích, biên bản, tờ trình… trong quá trình xét tặng. Đối tượng được xét là công dân Việt Nam đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian.

Về quyền lợi, nghệ nhân được phong tặng sẽ được nhận Giấy chứng nhận của Chủ tịch nước kèm tiền thưởng; các nghệ nhân khó khăn, thu nhập thấp sẽ được trợ cấp hằng tháng. Đi kèm là nghĩa vụ của nghệ nhân: phải không ngừng hoàn thiện tri thức và kỹ năng; tích cực tuyên truyền, giảng dạy kỹ năng…

Nghị định đưa ra các tiêu chuẩn về việc xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT. Trong đó, đòi hỏi nghệ nhân phải có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương… Với NNND, phải có thời gian hoạt động nghề từ 20 năm trở lên và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNƯT. Với NNƯT, phải có thời gian hoạt động nghề từ 15 năm trở lên. Như vậy thì trong đợt phong tặng đầu tiên, sẽ chỉ có các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNƯT. Sau đó một thời gian, tiếp tục xét tài năng, cống hiến, thời gian hoạt động nghề, việc xét danh hiệu NNND mới có thể dựa trên số NNƯT đã có. Việc chia ra hai cấp danh hiệu và tiêu chuẩn trên mặc dù đã được quy định trong nghị định nhưng vẫn thu hút những ý kiến phản biện, như: Để đạt danh hiệu NNND, nhiều nghệ nhân sẽ phải chờ đợi khá lâu, vậy nên chăng chỉ cần một danh hiệu tạm gọi là "Nghệ nhân quốc gia" là đủ? Điều này, một lần nữa thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với động thái ý nghĩa này.

Nên được xem như cú hích

Rõ ràng, khi nghị định ra đời, nhiều nghệ nhân kỳ cựu, có thâm niên trong lĩnh vực chuyên môn khác nhau, phần lớn đã tuổi cao sức yếu. Nhiều nghệ nhân sống khó khăn, nghèo túng. Nhiều nghệ nhân đã ra đi trước khi được nhận hoặc tiếp tục được nhận những khoản hỗ trợ, bồi dưỡng khiêm tốn. Mối quan tâm, hỗ trợ đối với các nghệ nhân thể hiện qua nhiều văn bản pháp luật và trong thực tế còn mờ nhạt dù đã được một số địa phương chủ động thực hiện… Như vậy khi nghị định sắp đi vào áp dụng, một lần nữa lại phải nói lại điều không mới là cần nhanh chóng thực hiện các công tác rà soát, thẩm định, xây dựng hồ sơ, đề xuất và phong tặng, đãi ngộ cho các nghệ nhân theo hướng đừng để mất thêm nhiều thời gian hơn nữa. Cụ thể là rất cần một quy trình gọn gàng để các công đoạn trên được thực hiện xác thực, kín kẽ nhưng nhanh chóng. Sự ra đi của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu năm ngoái và nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc cách đây chưa lâu là một điều vô cùng đáng tiếc, hối thúc chúng ta không thể chậm trễ hơn.

Nhiều ý kiến cũng bày tỏ việc tổ chức xét chọn nhanh gọn, giản tiện cũng chính là một cách tiết kiệm thời gian, công sức và cả kinh phí để nguồn ngân sách có thể tập trung vào đãi ngộ nghệ nhân nhiều hơn chứ không phải tốn kém vào các hoạt động tổ chức, họp hành nặng về hình thức. Tuy nhiên, công tác thẩm định thì rất cần bảo đảm khoa học và nhất là tôn trọng nghệ nhân, trong đó yêu cầu thiết thực là hội đồng cần những chuyên gia am hiểu lĩnh vực của nghệ nhân được xét chọn.

Ngoài những quy định về chế độ đãi ngộ trong nghị định, một vấn đề khác đặt ra là các địa phương cũng nên có những chế độ riêng, phù hợp với hoàn cảnh địa phương mình, chia sẻ và tham khảo lẫn nhau những cách thức nhằm động viên nghệ nhân một cách thường xuyên và thiết thực hơn. Ví dụ như trợ cấp thường kỳ tính theo lương cơ bản, ưu tiên khám, chữa bệnh định kỳ, hỗ trợ các điều kiện vật chất tối thiểu phục vụ cuộc sống và hoạt động chuyên môn của nghệ nhân…

Đặc biệt, cách quan tâm, đãi ngộ, tôn vinh mang ý nghĩa văn hóa hơn cả chính là ở chỗ ngành văn hóa ở các địa phương phải tạo mọi điều kiện để các nghệ nhân, khi sức khỏe cho phép, được tiếp tục cống hiến bằng chuyên môn của mình vào biểu diễn, truyền dạy, bảo tồn vốn cổ. Nghệ nhân chỉ thực sự là nghệ nhân như danh hiệu cao quý mà Nhà nước và xã hội ghi nhận khi các cụ, các bác, các anh, chị… được thực sự sống trong không khí hoạt động nghề nghiệp của mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xét tặng danh hiệu nghệ nhân: Đừng lâu thêm nữa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.