(HNMO) - Chiều 1/11, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã giải trình trước Quốc hội về chất lượng xét xử các loại án; việc giải quyết giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án dân sự; việc áp dụng án treo, nhất là với tội phạm tham nhũng.
Về chất lượng xét xử các loại án, Chánh án cho biết, năm 2010 tổng số vụ án hình sự bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán chiếm 0,45% thì năm 2011 giảm còn 0,4%, năm 2012 còn 0,3%. Tương tự với các vụ án dân sự và án hành chính, qua các năm, tỷ lệ án bị hủy, sửa cũng đều giảm.
“Tòa án các cấp đã rất nỗ lực để cải thiện số vụ án bị sửa, hủy, nhưng so với yêu cầu xã hội và yêu cầu xây dựng nền công lý, tỷ lệ này còn cao. Chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử”, Chánh án nói.
Về giải quyết án giám đốc thẩm, năm 2010 tỷ lệ giải quyết đạt 40,5%, năm 2011 là 53,8%, năm 2012 đạt 58%. Như vậy, số vụ được giải quyết có tăng lên, đồng thời số vụ kháng nghị cũng giảm theo: năm 2011 có 1.160 bản án bị kháng nghị, năm 2012, còn 731 bản án bị kháng nghị, giảm 37% so với năm 2011. Theo Chánh án, chất lượng xét xử cấp sơ thẩm, phúc thẩm tăng lên nên xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm đã giảm, đồng thời có sự tăng cường tổng lực để tăng số lượng giải quyết.
Theo Chánh án, sở dĩ chất lượng xét xử chung chưa đáp ứng được đòi hỏi của tình hình là do nhiều nguyên nhân, ngoài nguyên nhân về hệ thống luật pháp chưa đầy đủ, có nguyên nhân do trình độ năng lực của đội ngũ tòa án chưa đáp ứng được yêu cầu, cá biệt có một bộ phận có biểu hiện tiêu cực, trong đó có một số thư ký tòa án đã bị phát hiện có hành vi liên quan đến quan hệ trái công vụ với đương sự, chịu sự tác động của đương sự và những người liên quan khác.
Về nguyên nhân án giám đốc thẩm còn nhiều, Chánh án cho biết, do nền kinh tế-xã hội nước ta đang trong giai đoạn phát triển nên tội phạm và các tranh chấp xã hội nhiều, số lượng án hàng năm tăng nhiều, riêng năm nay tăng thêm 50.000 vụ án. Vì vậy, số đơn khiếu nại giám đốc thẩm cũng tăng. Bên cạnh đó, chất lượng xét xử chưa tương xứng yêu cầu, những bất cập của pháp luật tố tụng… cũng là nguyên nhân.
Về tình trạng án giám đốc thẩm xét xử chậm, theo Chánh án, với số lượng án kháng nghị nhiều như vậy, việc xét xử chậm là khó tránh khỏi. Mỗi tháng, TANDTC phải dành riêng 1 tuần xét xử khoảng 20 vụ án, 1 năm cũng chỉ giải quyết được 240 vụ án. Để khắc phục sự chậm trễ này, TANDTC sẽ nghiên cứu đề xuất cơ chế tái thẩm, giám đốc thẩm mới phù hợp hơn.
Về án treo, nhất là án treo với các vụ án tham nhũng, Chánh án cho biết, tỷ lệ án treo hàng năm đã giảm nhiều. Nếu năm 2011, tỷ lệ án treo trong các vụ án tham nhũng chiếm 37,1% thì năm 2012 giảm còn 30,2%.
Chánh án làm rõ, việc áp dụng án treo được thực hiện theo quy định pháp luật, những người có thân nhân tốt, tội phạm dưới 3 năm, có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì được hưởng án treo. Vì vậy, điều quan trọng không phải là số án treo nhiều hay ít, mà là áp dụng án treo có đúng hay không.
Chánh án khẳng định, chế định án treo của Việt Nam là phù hợp với luật pháp quốc tế. Với án tham nhũng, có thể nghiên cứu sửa luật để áp dụng những điều kiện đặc biệt khắt khe hơn với bị cáo khi được hưởng án treo, chứ không thể bỏ được.
“Hàng năm, ngành tòa án đều tổ chức những đoàn kiểm tra việc thực hiện án treo và có đánh giá, đề ra giải pháp khắc phục yếu kém, xử lý các thẩm phán vi phạm như không tái bổ nhiệm hoặc cho đình chỉ xét xử. Trong năm 2010, chúng tôi đã không tái bổ nhiệm 6 trường hợp, năm 2011 không tái bổ nhiệm 9 trường hợp, năm 2012 cũng có 9 trường hợp không được bổ nhiệm”, Chánh án cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.