Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xe đạp ơi!

Nguyễn Ngọc Tiến| 17/09/2011 05:52

(HNM) - Phương tiện giao thông cuối thế kỷ XIX, đầu XX ở Hà Nội chủ yếu là cáng, xe ngựa rồi đến xe tay. Công chức, doanh nhân người Pháp ở Hà Nội thích đi xe tay hơn vì rẻ và tiện lợi. Đường sá chưa thuận tiện cũng là nguyên nhân khiến họ không muốn đi xe đạp...

Những bức ảnh chụp Hà Nội cuối thế kỷ XIX cho thấy thành phố đã có xe đạp và sử dụng nó là người Pháp. Khi đường đua bằng xi măng được xây dựng trên nền kho lương tiền cũ của Thành Hà Nội (nay là khu vực Bộ Kế hoạch - Đầu tư) bắt đầu xây dựng vào năm 1905 và hoàn thành vào năm 1908 thì số xe đạp bắt đầu tăng lên. Đường đua vòng tròn này có chiều dài là 333,33m thu hút các tay đua xe đạp vào những ngày cuối tuần. Một vài người Việt làm sở Tây cũng bị trò chơi văn minh này cuốn hút khiến họ sắm xe đạp. Tuy nhiên nhiều năm sau đó, dân chúng mới bắt đầu để ý đến xe đạp.

Chiếc xe đạp cổ từ nửa thế kỷ trước. Ảnh tư liệu

Xe được nhập vào Hà Nội từ vùng Saint Etienne nước Pháp. Mua xe chủ yếu là các gia đình giàu có, công chức làm sở Tây. Giá một chiếc khoảng 10 đồng. Nhưng loại phương tiện mới mẻ này chỉ dành cho đàn ông, con gái tập xe bị hàng phố nhìn bằng ánh mắt coi thường và bóng gió những câu móc máy. Năm 1930-1932, giá một chiếc Peugeot là 27 đồng trong khi chỉ 6 đồng một tạ gạo. Nhưng số lượng xe đạp tăng lên rất nhanh vì người ta nhận thấy tiện ích của nó, mặt khác xe đạp cũng là đồ vật phân biệt đẳng cấp trong xã hội. Tháng 2-1924, cuộc đua xe đường dài đầu tiên theo lộ trình:

Hà Nội - Sơn Tây - Hà Nội về qua Hà Đông dài 100km được đại lý của Hãng Peugeot là Berset ở phố Tràng Thi tổ chức, kết quả về nhất là Mousserat và Mare (3 giờ 7 phút) người Pháp, về đích thứ 5 là tay đua Hà Nội tên là Bổng với thời gian 3 giờ 11 phút 32 giây, còn tay đua Cổng về thứ 6. Thống kê số xe đạp qua cầu Long Biên của Tạp chí "Tự nhiên" cho thấy năm 1925 có tới 344 lượt, như vậy có thể khẳng định số lượng xe đạp bắt đầu tăng. Đua xe đã lôi cuốn nhiều thanh niên Hà Nội nhưng nổi tiếng nhất có: Bổng, Cổng, Căn, Chức.

Nhờ có các cuộc đua, lượng xe bán ra tăng mạnh. Các mẫu xe có Mercer, Sterling, Peugeot... Mercer khung hợp kim nhôm sáng bóng, Sterling có ghi đông vểnh ngược và tay phanh nằm ở phía trên chứ không nằm dưới. Ở ngõ phố Hội Vũ có đại lý cho Hãng Peugeot Khôi Thành và cạnh đó là Mễ Thành được hãng tin tưởng giao cho gia công ghi đông tại Hà Nội.

Có một câu chuyện về thi sĩ Xuân Diệu, không liên quan đến thơ tình, cũng không dính dáng việc ông ngã giá, đòi ăn gì, bồi dưỡng ra sao khi được mời nói chuyện thơ mà liên quan đến xe đạp. Năm 1938, Xuân Diệu ra Hà Nội học và trọ cùng với Huy Cận ở 40 Hàng Than. Cũng năm này, Xuân Diệu xuất bản tập Thơ thơ. Năm 1945, ông in hai tập Gửi hương cho gió và Ngọn Quốc kỳ. Tiền nhuận bút rất cao nên năm 1946 ông mua chiếc xe đạp hiệu Peugiot. Làm thơ thì tài nhưng tập xe gần tháng trời mới tự đi được. Hôm đó, lần đầu tiên ông dạo phố bằng xe đạp, đến ngã tư Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng, gặp hai nhóm biểu tình, một nhóm ủng hộ Việt Minh còn nhóm kia đả đảo Việt Minh và ủng hộ Quốc dân đảng. Ông yêu nước và cảm phục Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lâu nên quẳng ngay xe cạnh mép hồ (đối diện với Công ty Vàng bạc đá quý phố Đinh Tiên Hoàng hiện nay) rồi nhập vào đoàn người ủng hộ Việt Minh. Một kẻ trong đoàn biểu tình bên kia nhận ra Xuân Diệu, gã hét lên "thằng thơ mới" rồi vác chiếc xe đạp của ông ném xuống hồ. Ông mặc kệ và tiếp tục theo đoàn người đến khi giải tán mới quay lại góc hồ. Nhờ có người chỉ chỗ, mặc nguyên bộ đồ Tây, ông nhảy xuống mò. Lặn đến mấy lần mới thấy chiếc xe và khi mang được lên bờ, việc đầu tiên là ông ngắm nghía chiếc xe rồi quay bánh xe, bóp phanh. May không hỏng hóc gì. Ông lên xe đạp vội về nhà trọ mới thuê ở phố Hàng Bông.

Hà Nội thời Pháp có cơ sở sản xuất xe đạp Péc-xê của chủ Pháp, ngoài ra còn các hãng xe Dân Sinh của chủ người Hoa, Bình Định, Sài Gòn và Đồng Tâm là của người Việt. Phần lớn các chi tiết trong những chiếc xe đạp Việt Nam đều sản xuất ở trong nước, chỉ có xích và líp là nhập từ Pháp. Sau năm 1954, các cơ sở này gặp khó khăn về nguyên liệu, linh kiện do không nhập khẩu được còn Péc-xê thì chủ Pháp phá hủy hết máy móc thiết bị. Thực hiện chính sách cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, ngày 30-6-1960, nhà nước gom Dân Sinh, Bình Định, Đồng Tâm và Sài Gòn thành Công ty Hợp doanh xe đạp Thống Nhất. Đến năm 1962 đổi thành Nhà máy Xe đạp Thống Nhất. Xe đạp nam hiệu Thống Nhất thời kỳ đầu rất tốt, chất lượng không thua kém các xe Pháp, song chất lượng dần dần đi xuống do sản phẩm làm ra bao nhiêu Nhà nước bao tiêu bấy nhiêu, lại không phải cạnh tranh với ai đã khiến công nhân sinh ra làm ẩu còn ban lãnh đạo nhà máy chỉ cần bảo đảm chỉ tiêu được giao nên họ cũng không quan tâm nhiều đến chất lượng. Năm 1965, Nhà nước ra quyết định phân phối xe đạp giá cung cấp, trong một đời một cán bộ, công nhân viên được mua một chiếc. Ai được phân phối sẽ kèm theo một sổ mua phụ tùng. Quyết định là vậy nhưng một năm, xí nghiệp hàng trăm người cũng chỉ được phân phối chưa đến 10 chiếc. Sản lượng của Nhà máy Xe đạp Thống Nhất quá ít nên Nhà nước cho nhập xe Phượng Hoàng, Vĩnh Cửu của Trung Quốc, tuy nhiên có người về hưu vẫn không mua được xe phân phối. Cuối những năm 60, đầu 70 xe đạp Thống Nhất cũng có bán giá tự do ở các cửa hàng bách hóa nhưng không được ưa chuộng bằng xe Phượng Hoàng và Vĩnh Cửu. Phượng Hoàng và Vĩnh Cửu cỡ vành 660 với hầu hết chi tiết bằng sắt nên trọng lượng khá nặng. Song bù lại xe rất bền nên được bà con nông thôn ngoại thành ưa thích. Dùng hai loại xe này làm xe thồ chở phân ra ruộng, chở khoai, lúa về sân kho hợp tác không gì bằng. Những năm 1960, Hà Nội có vài chục chiếc xe hiệu Humber sản xuất tại Thái Lan do Việt kiều hồi hương mang về. Xe Humber nặng nhưng kiểu dáng hiện đại, khi không đạp để xe bon, tiếng líp kêu tành tạch nghe vui tai vô cùng. Năm 1960, 1970 nhà ai có họ hàng bên Pháp gửi về cho chiếc Peugeot thì "nhất quả đất". Tùy theo thời gian, Hãng Peugeot có các mẫu xe "Cổ cao (pốt tăng cao), phanh rút" "Đầu bằng, yên da" với các màu: cá vàng, da đồng, xanh cô ban, đỏ đun... nhưng có giá nhất là màu da đồng đời "Đầu bằng, yên da", đằng sau có túi da, chiều chiều dạo phố bằng chiếc xe này thì thiên hạ... kính nể. Xe Peugeot từng là một trong những tiêu chuẩn chọn người yêu của không ít các cô:

Một yêu anh có Seiko (đồng hồ của Nhật)
Hai yêu anh có Peugeot cá vàng
Ba yêu anh có nhà sang
Bốn yêu hộ tịch rõ ràng Thủ đô
Năm yêu không có bà bô
Sáu yêu Văn Điển ông bô sắp chầu.

Hay "Đẹp giai đi bộ, không bằng mặt giỗ đi Lơ (xe đạp Peugeot)". Xe đạp nhưng cũng phải đăng ký với công an và cơ quan này sẽ cấp biển số cùng giấy đăng ký. Biển số làm bằng sắt hình chữ nhật dài khoảng 20cm rộng 10cm nền sơn trắng, chữ và số màu đen. Biển số dứt khoát phải treo ở khung xe. Nếu treo sau yên sẽ bị xử phạt. Giấy đăng ký ghi số khung (ở đuôi càng dưới), màu sơn và biển số, xe không biển ra đường lập tức bị công an bắt đưa về đồn. Những năm 1970, khóa dây rất hiếm, chủ yếu là khóa vòng, loại khóa này phòng người ngay mà không chống được kẻ gian nên mất cắp xe đạp thường xuyên xảy ra. Chỉ cần tin vào khóa mà không gửi là bị kẻ cắp "hỏi thăm" ngay, kiểu như: "Có vợ mà để đi Tây/Như xe đạp dựa gốc cây Bờ Hồ".

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xe đạp ơi!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.