Chiếc xe đạp từ lâu đã là người bạn đồng hành thân thiết của HS. Tuy nhiên, vì thích
Em Nguyễn Văn Quang, HS lớp 11, Trường THPT Kim Liên:
- "Độ" xe là thú chơi của nhiều bạn HS con nhà giàu ở trường em. Mặc dù là xe đạp đi học nhưng các bạn ấy bỏ ra đến cả triệu đồng để mua các loại phụ tùng "độc". Em nghe nói, những loại phụ tùng như lốp xe kích thước lớn, vành xe, còi hú tiếng động vật… đều là hàng ngoại nhập rất đắt tiền. Sau khi được "chế" thêm, tốc độ của xe cũng rất… kinh hoàng. Muốn thể hiện mình có xe "độ xịn", nhiều bạn mặc sức phóng nhanh trên đường, chở 3-4 người và vượt cả đèn đỏ, hú còi inh ỏi. Thế nên không ít tín đồ "độ" xe gặp tai nạn, gãy tay, gãy chân…
Em Trần Minh Hiếu, HS lớp 9, Trường THCS Yên Hòa:
- Ở lớp em cũng có nhiều bạn thích trang trí lại xe đạp, như kết hoa trên giỏ xe, tết nơ. Có bạn còn phun sơn lại màu xe thành "bảy sắc cầu vồng", hoặc mua vòng nhựa các màu lắp vào nan hoa, dán đề can đủ loại màu sắc, thêm đèn led để sáng nhấp nháy. Nếu chịu khó mua thêm "phụ kiện" và khéo tay một chút là có ngay chiếc xe "độ" mà bạn nào nhìn cũng phải "lác mắt" thán phục. Em thấy làm như vậy khá đẹp mà lại "độc đáo" nhưng không hiểu nó có nguy hiểm gì không?
Chú Nguyễn Văn Hoàng, phụ huynh HS, Hà Nội:
- Là dân kỹ thuật nên tôi rất hiểu những mối nguy hiểm từ việc thay đổi kết cấu của một chiếc xe đạp. Với mỗi chiếc xe, hầu hết nhà sản xuất đã tính toán thiết kế mọi chi tiết, bộ phận để bảo đảm độ an toàn. Do đó, việc tự ý sửa chữa, lắp thêm phụ tùng dễ làm thay đổi thông số kỹ thuật an toàn của xe. Ví dụ, vòng bi giúp giảm sức cản khi đạp xe khiến cho xe dễ di chuyển, đỡ tốn sức đạp. Nhưng lắp vòng nhựa, hoặc các miếng nhựa dẻo vào nan hoa có khả năng chịu lực kém, dễ rơi vỡ, gây tai nạn khi vướng vào vành xe. Tương tự, việc lắp thêm đèn led nhấp nháy hay đề can phản quang gây lóa mắt người đi đường, rất dễ xảy ra tai nạn nghiêm trọng.
Việc lắp thêm còi xe là cần thiết khi muốn sang đường, rẽ trái phải hoặc thông báo tín hiệu khi lưu thông trên đường. Tuy nhiên, nếu lắp các loại còi quá to hoặc giả các tiếng động lạ thì việc bấm còi sẽ gây khó chịu cho người đi đường và thể hiện ý thức tham gia giao thông kém. Do đó, các phụ huynh nên chú ý chọn cho con mình một chiếc xe đạp lắp ráp trong nước có độ an toàn cao, thiết kế chắc chắn, phù hợp với tầm vóc của trẻ. Đặc biệt, nên nghiêm cấm các cháu tự ý tháo lắp xe, sơn phản quang hoặc lắp thêm phụ tùng không cần thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.