Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xe buýt lan tỏa ngoại thành

Tuấn Lương| 05/05/2017 06:37

(HNM) - Thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai) và xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) là hai trong số những


Mở thêm các tuyến xe buýt góp phần hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Ảnh: Huy Khánh


Vươn tới những vùng xa


Mới đây, Sở GT-VT Hà Nội cùng Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã khai trương hai tuyến buýt mới kết nối với các khu vực ngoại thành là tuyến số 93 (Nam Thăng Long - Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn) và tuyến số 94 (Bến xe Giáp Bát - thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai) trong niềm phấn khởi của lãnh đạo và nhân dân các địa phương nơi tuyến xe buýt đi qua. Ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn chia sẻ: Sóc Sơn có hơn 596.000 dân, sống tập trung dọc quốc lộ 2, quốc lộ 3, tỉnh lộ 35 và tỉnh lộ 131. Tình hình kinh tế - xã hội của huyện còn nhiều khó khăn, một số xã đặc biệt khó khăn được xếp vào diện xã nghèo của Hà Nội. Trên địa bàn huyện đã có 8 tuyến buýt hoạt động, gồm 7 tuyến trợ giá và 1 tuyến xe buýt chất lượng cao kết nối với Sân bay Nội Bài, đáp ứng khá tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Tuy nhiên, người dân một số xã nghèo, kinh tế khó khăn như: Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, Minh Trí, Minh Phú, Tân Hưng, Việt Long… vẫn chưa có điều kiện tiếp cận xe buýt. Việc thành phố đưa tuyến xe buýt mới số 93 kết nối đến xã Bắc Sơn là điểm xa nhất của huyện, tiếp giáp với huyện Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) sẽ giúp nhân dân các xã dọc tỉnh lộ 35 và tỉnh lộ 131 đi lại về trung tâm thành phố thuận tiện. Điều quan trọng hơn là giúp người dân được hưởng chính sách an sinh xã hội lớn của thành phố.

Đó chỉ là hai tuyến buýt mới nhất của Tổng công ty Transerco vươn ra ngoại thành. Ông Nguyễn Phi Thường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Transerco cho biết, thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”, trong năm 2016, tổng công ty đã rà soát, điều chỉnh hợp lý hóa mạng lưới 16 tuyến với 10 tuyến mở rộng phạm vi phục vụ và 6 tuyến kết nối phục vụ tuyến buýt nhanh (BRT) khi đưa vào hoạt động; mở mới 7 tuyến kết nối đến các khu đô thị, thị trấn, thị tứ thuộc các huyện và khu vực ngoại thành như: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Xuân Mai, Hòa Lạc…; đồng thời, đầu tư thay thế 127 xe buýt các loại. Các xe mới được sơn màu, logo và bộ nhận diện thương hiệu xe buýt mới của Hà Nội. Trong kế hoạch năm 2017, Transerco sẽ mở 14 tuyến xe buýt mới, đầu tư mới thêm gần 200 xe buýt tiêu chuẩn hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng đoàn phương tiện. Trước mắt, quý II-2017 triển khai mở mới 7 tuyến buýt (4 tuyến gom nội đô và 3 tuyến ngoại thành), đầu tư mới thêm 48 xe mới phục vụ mở tuyến mới và thay xe tuyến nội đô.

Sẽ tiếp tục mở rộng vùng phục vụ

Dù gặp rất nhiều khó khăn, cả về nguồn lực cũng như hạ tầng, song đến nay hệ thống xe buýt Thủ đô, trong đó Transerco giữ vai trò chủ lực khi chiếm khoảng 90% thị phần, đã nỗ lực vươn tới 0hơn 80% quận, huyện, thị xã. Nhiều khu vực ngoại thành, khu - cụm công nghiệp… xa trung tâm thành phố đã có xe buýt phục vụ. Các phương tiện đều bảo đảm tiêu chuẩn buýt đô thị, được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, có hệ thống thông tin bằng đèn led và hệ thống tự động báo điểm dừng bằng âm thanh. Cung cách phục vụ của nhân viên, lái - phụ xe ngày càng chuyên nghiệp, thân thiện hơn, được đông đảo người dân đánh giá cao. Vì thế, ngày càng có thêm nhiều người dân lựa chọn xe buýt là phương tiện đi lại chính khi mạng lưới xe buýt liên tục được điều chỉnh, hợp lý hóa luồng tuyến và thay mới phương tiện theo tiêu chuẩn hiện đại.

Từ nay đến năm 2020, cùng với xe buýt, Thủ đô sẽ có thêm các loại hình vận tải mới, như đường sắt đô thị và các tuyến BRT mới, tuy nhiên xe buýt thường vẫn được xác định là chủ lực, "xương sống" của hệ thống vận tải hành khách công cộng. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu nâng cao tỷ lệ hành khách sử dụng xe buýt, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở GT-VT và Tổng công ty Transerco triển khai ngay các đầu việc, gồm tăng số lượng xe từ 1.200 đến 1.400 xe cho cả 3 loại phương tiện lớn, vừa và nhỏ theo tiêu chuẩn chất lượng cao; chuyên môn hóa bộ phận khảo sát xây dựng, thiết kế các tuyến và tổ chức mạng lưới chạy xe bảo đảm khoa học; cung cấp dịch vụ wifi trong xe; phối hợp với lực lượng công an tổ chức phân luồng giao thông để bảo đảm lộ trình chạy xe đúng giờ; tổ chức quản lý xe, hành trình chạy xe theo công nghệ thông minh, từng bước đưa xe buýt trở thành phương tiện công cộng chuyên nghiệp, văn minh...

Khẳng định chủ trương của thành phố sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư, mở rộng vùng phục vụ của xe buýt có trợ giá để ngày càng có thêm nhiều người dân ngoại thành được hưởng các chính sách an sinh xã hội của thành phố, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội nhấn mạnh, từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ mở mới 62 tuyến buýt, nâng tổng số tuyến buýt toàn thành phố lên 150 tuyến. Và không chỉ dừng ở các tuyến trục bám dọc theo các quốc lộ, tỉnh lộ, các khu đô thị, khu - cụm công nghiệp, tới đây thành phố sẽ nghiên cứu mở rộng tới cả các tuyến đường nhánh; đầu tư các tuyến buýt gom để có thêm nhiều người dân được tiếp cận với xe buýt. Các tuyến buýt khi đi vào hoạt động sẽ góp phần đáng kể vào việc giải quyết nhu cầu thông thương, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đồng thời góp phần vào việc kiềm chế phương tiện cá nhân, giảm áp lực ùn tắc, va chạm giao thông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xe buýt lan tỏa ngoại thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.