Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây, sửa nhà cho gia đình người có công: Đồng lòng vì việc nghĩa

Linh Nhi| 20/07/2017 06:58

(HNM) - Hòa chung không khí khẩn trương, đồng lòng tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của nhân dân cả nước nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), những ngày này, Thủ đô Hà Nội đang thực hiện rất nhiều phần việc nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”.

Ông Ngô Phạm Kiểm, thương binh hạng 3/4 (quận Hai Bà Trưng) trong căn nhà mới được sửa chữa. Ảnh: Khánh Huy


Niềm vui lan tỏa

Những ngày tháng 7 này, ngôi nhà của ông Ngô Phạm Kiểm, thương binh hạng 3/4 ở phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) tràn ngập tiếng cười. Người thân, bạn bè, đồng đội đến thăm, mừng ông nay đã có ngôi nhà mới khang trang, không còn phải chịu cảnh nhà dột, tường nứt toác như trước. Chia sẻ về niềm vui lớn, ông Kiểm nói rằng nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, ông và các đồng đội đã có cuộc sống đủ đầy, có chỗ ở ổn định. Từ nguồn hỗ trợ ban đầu là 25 triệu đồng của thành phố, quận Hai Bà Trưng, phường Thanh Lương và hàng chục triệu đồng từ người thân, đồng đội, ông đã có được ngôi nhà mơ ước.

Tổ quốc và nhân dân không quên ai. Niềm vui liên tiếp đến với gia đình người có công, không riêng gì ông Ngô Phạm Kiểm. Trong những ngày này, ngôi nhà cấp 4 dột nát của cụ Nguyễn Văn Kim (94 tuổi, là bố của liệt sĩ Nguyễn Văn Ngân, hy sinh năm 1970 tại mặt trận phía Nam) ở thôn Dậu 2, xã Di Trạch (huyện Hoài Đức) đã được xây mới.

Các Mẹ liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng sống đơn thân cũng nhận được sự quan tâm sâu sắc của toàn xã hội. Cụ Vũ Thị Chắt, 89 tuổi (vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Nhâm, hiện ở tổ dân phố 40 phường Văn Chương, quận Đống Đa) phải sống một mình vì không có con, họ hàng đều ở xa, việc sửa nhà được chính quyền lo cho cả. Bà Nguyễn Thị Kim Xuân, Phó Chủ tịch UBND phường Văn Chương cho biết, số tiền thành phố, quận, phường hỗ trợ để sửa nhà cho cụ Chắt, phường giao cho cán bộ khu dân cư. Không chỉ lo việc sửa nhà, cán bộ địa phương còn bố trí chỗ ăn ở tạm, chăm lo chu đáo cho cụ trong suốt quá trình sửa nhà.

"Phong trào không dừng lại ở đó!"

Nhờ sự quan tâm của Thành ủy, UBND TP Hà Nội cùng sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, việc xây, sửa nhà cho các gia đình chính sách, người có công đạt được kết quả đáng phấn khởi. Trong ba tháng cao điểm vận động toàn dân tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, đến ngày 10-7, quỹ cấp thành phố thu được 1.302.334.000 đồng; quỹ cấp quận, huyện, thị xã thu được 45.804.000.000 đồng.

Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội: Tính đến ngày 12-7, số hộ người có công tại Hà Nội đã hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở là 6.810 (xây mới: 3.319 hộ, sửa chữa: 3.491 hộ). Số hộ người có công đang thực hiện xây, sửa nhà ở là 485 hộ; số hộ người có công đưa ra khỏi danh sách đề nghị hỗ trợ: 271 hộ, do nhà ở không đủ điều kiện hỗ trợ, gia đình không có nhu cầu xây, sửa và một số người có công đã qua đời, không còn vợ, chồng hoặc con.


Ông Nguyễn Đình Tiên, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Đống Đa cho biết: Đến ngày 30-6-2017, quận Đống Đa đã xây, sửa xong 104 ngôi nhà cho gia đình chính sách, người có công, trong đó sửa chữa 100 nhà, xây mới 4 nhà. Còn theo bà Biện Hòa An, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Thanh Xuân, toàn quận đã thu được trên 1,3 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, trong đó, các phường vận động được trên 800 triệu đồng, xây mới và sửa chữa nhà cho 17 hộ gia đình chính sách, người có công trên địa bàn. Các công trình hoàn thành trước thời hạn 50 ngày so với yêu cầu của thành phố. Tại huyện Hoài Đức, theo ông Nguyễn Thế Hạ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” thu được 2,5 tỷ đồng, trong đó, riêng các doanh nghiệp ủng hộ 1,7 tỷ đồng.

Mức hỗ trợ chung về xây, sửa nhà cho gia đình chính sách, người có công là 40 triệu đồng/nhà xây mới, 20 triệu đồng/nhà đối với trường hợp sửa chữa nhưng trong thực tế, nhiều địa phương đã hoàn thành kế hoạch xây, sửa nhà cho người có công với mức hỗ trợ được nâng lên gấp đôi nhờ nguồn ngân sách địa phương và nguồn kinh phí xã hội hóa. Người dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội đồng lòng sát cánh cùng thành phố giúp đỡ gia đình chính sách, người có công.

Điển hình như huyện Hoài Đức xây, sửa 115 nhà cho người có công với mức hỗ trợ 80 triệu đồng/nhà xây mới và 45 triệu/nhà sửa chữa. Quận Thanh Xuân hỗ trợ 35 triệu đồng/nhà sửa chữa, 70 triệu đồng/nhà xây mới. Bà Phạm Thị Thu Huyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết, UBND huyện hỗ trợ xây, sửa nhà cho gia đình người có công với mức 90 triệu đồng/nhà xây mới, 50 triệu đồng/nhà sửa chữa và đã hoàn thành việc bàn giao 41 ngôi nhà tình nghĩa (đạt 100% kế hoạch)…

Số liệu chỉ có thể phản ánh phần nào bức tranh tổng thể về chăm sóc người có công trên địa bàn Hà Nội. Phong trào “Uống nước nhớ nguồn” không dừng lại ở đó. Bà Lê Thị Minh Hương, Phó Trưởng phòng Chính sách người có công (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết, trong thời gian tới, Sở tiếp tục đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, các văn bản hướng dẫn của Trung ương, thành phố về đối tượng, điều kiện và tiêu chuẩn hỗ trợ nhà ở đối với người có công. Bên cạnh đó là đề nghị UBND, Ủy ban MTTQ và đoàn thể các cấp phối hợp chặt chẽ trong việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc xây, sửa nhà, bảo đảm yêu cầu về diện tích, chất lượng nhà ở theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây, sửa nhà cho gia đình người có công: Đồng lòng vì việc nghĩa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.